Lô hàng tinh bột thạch đen đầu tiên với tổng khối lượng 1.000 tấn đang gấp rút vận chuyển để xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Chưa đầy nửa tháng kể từ khi Nghị định thư xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, lô hàng tinh bột thạch đen đầu tiên với tổng khối lượng 1.000 tấn đã được xuất chính ngạch sang thị trường này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm vùng sản xuất thạch đen tập trung tại xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Hồ Hạ |
Giá thạch đen Lạng Sơn lập đỉnh
Những ngày này, cánh đồng Nà Pan (thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, Lạng Sơn) tấp nập bà con gieo trồng thạch đen, dù không phải vụ chính. Những người nông dân gieo để lấy thạch đen giống, chờ đến tiết lập Xuân, khi nhiệt độ khoảng 18 - 25 độ C, thì mới gieo đồng loạt.
Tiếng nói cười rôm rả bao trùm cánh đồng. Tay thoăn thoắt phủ rơm cho những cây thạch đen còn non tơ, ông Nông Minh Chuyên (thôn Khuổi Bắp, xã Tân Tiến) bảo: “Mừng lắm! Từ khi biết thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá thạch đen khô nhảy vọt từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg. Với 4 sào trồng thạch đen, vụ năm nay, gia đình tôi thu được 1,2 tấn khô, lợi nhuận cao hơn trước nhiều”.
Công nhân công ty Đức Quý vận chuyển lô hàng thạch đen đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hồ Hạ. |
Bà Trần Thị Giang, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến xác nhận: “Chưa bao giờ giá thạch đen lập kỷ lục như vậy. Bà con rất phấn khởi”.
Vui hơn cả, có lẽ là Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất khẩu Đức Quý (huyện Tràng Định, Lạng Sơn). Nhân viên của Công ty đang khẩn trương vận chuyển lô hàng tinh bột thạch đen đầu tiên với tổng khối lượng 1.000 tấn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Hà Văn Quý, Giám đốc Công ty Đức Quý cho hay: “Trước đây, Công ty đã xuất khẩu thạch đen sang Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông. Ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc, chúng tôi may mắn có lô hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Trước đó, chúng tôi đã mang mẫu sản phẩm sang Trung Quốc để kiểm tra hóa nghiệm, kết quả đảm bảo 100% chất lượng an toàn thực phẩm”.
Ông cho biết thêm, yêu cầu của phía đối tác rất khắt khe, ràng buộc rất nhiều điều khoản. Nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tồn dư hóa chất vượt mức cho phép, thì đối tác sẽ hủy hợp đồng và Công ty phải bồi thường toàn bộ chi phí tiêu hủy sản phẩm.
Hiện nay, công suất nhà máy chiết xuất tinh bột thạch đen Đức Quý đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Với nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc lớn như hiện nay, ông Quý lo ngại, thời gian tới, nguồn nguyên liệu sẽ trở nên khan hiếm.
Nông dân xã Tân Tiến đang trồng thạch đen để lấy cây giống cho vụ năm 2021. Ảnh:Hồ Hạ. |
Định hướng tổ chức sản xuất hiệu quả
Nông dân xã Tân Tiến cho hay, mấy năm trước, có lúc giá thạch đen rớt thảm, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg thạch đen khô. Bà con ngao ngán nhổ về để đốt lửa. Không ngờ, nay giá thạch đen tăng vọt.
Khi đã có thị trường rồi, thì vấn đề quan trọng nhất là phải phát triển thị trường và giữ vững được thị trường. Tôi đề nghị các địa phương phải tổ chức lại sản xuất; phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của phía bạn, từ vấn đề xác định vùng trồng đến kỹ thuật trồng, canh tác, bảo quả, chế biến và quy cách đóng gói bao bì sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh
Nhiều năm hướng dẫn nông dân sản xuất thạch đen, Kỹ sư nông nghiệp Hoàng Thị Luyến (Trung tâm Nông nghiệp huyện Tràng Định) chia sẻ, chi phí đầu tư trồng thạch đen không cao, khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng/sào, gồm tiền giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu canh tác tốt, 1 sào thạch đen đạt năng suất khoảng 350 kg, trừ chi phí sản xuất sẽ lãi khoảng 7 triệu đồng/sào (200 triệu đồng/ha), chưa tính lợi nhuận thu được từ vụ lúa Xuân. Đó là nguồn thu mơ ước đối với người nông dân ở huyện nghèo Tràng Định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh cho biết, Nghị định thư về việc xuất khẩu sản phẩm thạch đen sang Trung Quốc là cơ hội tốt mở ra thị trường đối với sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng rất lớn của Lạng Sơn. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Cần chuẩn hóa quy trình canh tác và tổ chức sản xuất, sản xuất phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu. Theo đó, phải triển khai xây dựng mã số vùng trồng thạch đen thực hiện theo Chương trình ứng dụng Hệ thống tiêu chuẩn trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu (OTAS)”.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thạch đen là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền núi, vùng dân tộc ít người. UBND tỉnh Lạng Sơn đã đưa thạch đen là cây trong danh mục sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương để chỉ đạo sản xuất; quan tâm đầu tư kỹ thuật trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang trồng cây thạch đen.
Để tận dụng những cơ hội từ Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch cây thạch đen sang Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn văn bản hóa các nội dung để địa phương có cơ sở thực hiện; sớm tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các nội dung của Nghị định thư; hướng dẫn bà con quy trình canh tác thạch đen đạt năng suất cao và chất lượng tốt.
“Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn mong muốn Bộ NN&PTNT giới thiệu cho địa phương những doanh nghiệp có đủ tiềm lực để cung ứng dịch vụ từ đầu vào đến bao tiêu đầu ra để bà con yên tâm trồng, phát triển cây thạch đen bền vững”, ông Thiệu bày tỏ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét