Starbucks Việt Nam tìm cách bù đắp sự thiếu hụt từ lượng khách quốc tế
Dịch Covid-19 khiến Starbucks Việt Nam bị mất khoảng hơn 10% lượng khách quốc tế. Để bù đắp con số này, Starbucks có phải thay đổi chiến lược để thu hút khách Việt?
Thị trường cà phê toàn cầu đã có một năm đầy biến động bởi dịch Covid -19. Trong đó, Starbucks là nhà rang và nhà bán lẻ hàng đầu trong ngành cà phê đặc sản thế giới, với hơn 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới cũng lao đao.
Trên thế giới, Starbucks đã buộc phải đóng cửa các cửa hàng vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, song vẫn tiếp tục vận hành dịch vụ drive thru (phương thức bán hàng mà các ôtô của khách sẽ nối tiếp nhau đi theo hàng qua một cửa sổ, các nhân viên cửa hàng sẽ giao tiếp với khách hàng qua micro. Mọi giao dịch sản phẩm như gọi món, nhận hàng rồi thanh toán sẽ được thực hiện ngay khi khách hàng vẫn ngồi trên xe) và dịch vụ bán mang đi (pick-up) tại nhiều địa điểm.
Tại thị trường Việt Nam, với 67 cửa hàng hiện có, Starbucks vẫn hoạt động ổn định, thậm chí có cửa hàng đạt doanh số rất tốt.
Không chia sẻ cụ thể về con số, song bà Chi Nguyễn, Giám đốc PR-marketing của Starbucks Việt Nam cho biết, riêng sản phẩm cà phê năm nay bán rất tốt vì dịch mọi người ở nhà nhiều hơn, có thời điểm bị khan hiếm nguồn hàng và khó khăn lắm thị trường Việt Nam mới xin thêm được nguồn hàng.
Bởi cà phê thường được hãng lên kế hoạch thu mua từ các nước từcuối năm trước, tới tháng 3 năm sau mới đóng gói sản xuất xong. Hiện mọi thứ đã ổn hơn, chưa đến mức không có hàng để bán nhưng bị chậm hơn so dự kiến.
99% cà phê Starbucks® được thu mua có đạo đức. Hiện nay hãng đang làm việc với các đối tác trong ngành cà phê để cùng nhau thúc đẩy cà phê trở thành nông sản bền vững đầu tiên trên thế giới. |
Đáng chú ý, Starbucks Việt Nam bị thiếu hụt lượng khách quốc tế khoảng hơn 10%, có địa điểm quán bị giảm tới 20% vì nằm ở điểm du lịch có nhiều khách quốc tế. Tuy nhiên, đây là cơ hội để Starbucks nhìn thấy rõ con số mục tiêu phải tăng thêm lượng khách Việt Nam.
Để bù đắp sự thiếu hụt đó, liệu Starbucks phải thay đổi chiến lược hơn để thu hút khách Việt? bà Chi Nguyễn khẳng định: “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm khách hàng đến với Starbucks vì sản phẩm cốt lõi của mình đã phổ biến trên toàn thế giới, chứ không phải vì sản phẩm cà phê của riêng Việt Nam”.
Điều này cho thấy Starbucks không có sự điều chỉnh quá nhiều để phù hợp với gu văn hoá thưởng thức của người địa phương. “Việc đưa các sản phẩm cà phê mang tính đặc thù của Việt Nam sẽ làm thay đổi tính cách của thương hiệu truyền thống và chưa chắc khách hàng đã thích. Có thể họ luôn muốn khám phá, trải nghiệm sản phẩm không tìm thấy ở bất cứ đâu, bất cứ tiệm cà phê khác”, bà Chi cho biết.
Starbucks luôn đưa ra một số món bánh theo mùa khác biệt cho từng cửa hàng |
Dĩ nhiên, Starbucks Việt Nam vẫn cố gắng thay đổi theo xu hướng yêu thích của thi trường. Có thể thấy ít có thương hiệu kinh doanh nào trên thị trường cứ đều đặn 2 tháng 1 lần lại đưa ra sản phẩm mới như đồ uống, bánh…để tạo sự lựa chọn đa dạng cho khách.
Quan sát thấy, có nhiều khách vào Starbucks có thể không uống cà phê nhưng họ thích chiếc bánh ngon, loại đồ uống theo mùa khác. Đặc biệt, Starbucks đã tạo thói quen hàng ngày của khách Việt Nam khi cả tuần họ đến thưởng thức các sản phẩm và trải nghiệm không gian của Starbucks tại các điểm khác nhau với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác…
“Nếu ai chưa đến, chúng tôi lại tiếp tục bắt nhịp, tạo xu hương thu hút họ. Chúng tôi duy trì mô hình kinh doanh lâu dài, không chú trọng khách vãng lai, đến 1 lần rồi thôi”, bà Chi nói
Starbucks Golden Mansion ở TP.HCM mở cửa hôm 14/11/2020 trở thành điểm hẹn mới cho cà phê cuối tuần không thể bỏ lỡ với nhiều người muốn đến trải nghiệm những góc không gian ấm cúng và thưởng thức hương vị mùa lễ hội |
Năm nay, Starbucks phải trì hoãn mở cửa hàng mới ở Nha Trang, hoặc Hà Nội…để tập trung mở rộng thị trường TP.HCM và ra mắt một mô hình cửa hàng mới với sự khác biệt về diện tích, thực đơn và trải nghiệm. Trong đó, mặt bằng khiêm tốn hơn, quầy bar và cả menu đều được thu gọn với hai kích cỡ cơ bản, tăng thêm ghế ngồi cho khách ở không gian bên ngoài cửa hàng để vừa tối ưu không gian, vừa thuận lợi cho việc bán hàng mang đi.
Mùa lễ cuối năm này, sự trở lại của dòng cà phê Starbucks Reserve® Vietnam Da Lat trong mùa vụ thứ tư sau hai năm ra mắt tại Việt Nam được khách hàng thích thú. Nằm trên vùng cao nguyên ngàn thông quanh năm sương gió ở Việt Nam, thành phố Đà Lạt là nơi có điều kiện lý tưởng để trồng hạt cà phê Arabica chất lượng cao.
“Không phải năm nào chúng tôi cũng thể có được cà phê Starbucks Reserve® Vietnam Da Lat bởi điều này phụ thuộc vào chất lượng vụ mùa của năm đó. Cà phê Starbucks Reserve® được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, số lượng ít nhưng chất lượng tuyệt hảo với những hương vị độc đáo riêng biệt. Năm nay cà phê Starbucks Reserve® Vietnam Da Lat mang đến mùi hương của lá nguyệt quế Hy Lạp xen lẫn hương vị kẹo bơ, cô-ca và gia vị”, bà Patricia Marques, Tổng Giám Đốc Starbucks Vietnam chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét