EVN luôn nỗ lực đầu tư mở rộng mạng lưới, tăng công suất, đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân với chất lượng ngày càng tăng.
Công nhân Công ty Truyền tải điện 3 lắp đặt đường tải điện |
Là một doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn nỗ lực đầu tư mở rộng mạng lưới, tăng công suất, đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân với chất lượng ngày càng tăng. Dưới đây là 10 thành tựu nổi bật của EVN trong giai đoạn 2010 - 2020.
1. Đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân với chất lượng ngày càng cao, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong nhiều năm liên tục.
Giai đoạn 2010 - 2020, điện thương phẩm tăng trưởng với tốc độ cao, từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên khoảng 225,4 tỷ kWh năm 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,66%/năm, gấp khoảng 1,6 lần so với tăng trưởng GDP. Tập đoàn đã cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế, với sứ mệnh “đi trước một bước” theo Nghị quyết của Đảng. Sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt khoảng 2.200 kWh/năm, tăng 2,24 lần so với năm 2010 (982,7 kWh/năm).
2. Hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2019 là 1.033.843 tỷ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn 2000 - 2009 (257.130 tỷ đồng). Kế hoạch năm 2020, tổng giá trị đầu tư xây dựng ước đạt 88.340 tỷ đồng, trong đó, đầu tư thuần đạt 54.442 tỷ đồng.
Giai đoạn 2010 - 2019, EVN đã hoàn thành đóng điện 1.936 công trình từ 110 - 500 kV, với tổng chiều dài đường dây 8.290 km.
Đến hết năm 2020, hệ thống lưới điện quốc gia đã vươn tới mọi miền của đất nước, với trên 8.500 km đường dây 500 kV, gần 20.000 km đường dây 220 kV, hơn 23.000 km đường dây 110 khu vực; 33 trạm biến áp 500 kV, 137 trạm biến áp 220 kV, 886 trạm biến áp 110 kV.
Giai đoạn 2010 - 2019, EVN đã đưa vào vận hành 21 dự án với tổng công suất 17.120 MW, bằng 48% tổng công suất phát điện được đưa vào khai thác trong cùng thời gian trên toàn quốc.
Đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt cả nước đạt trên 61.000 MW, trong đó EVN sở hữu 29.638 MW.
3. Nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 10,25% (năm 2010) xuống 6,5% vào năm 2020. Như vậy, bình quân giảm 0,34%/năm và đã tiệm cận mức tổn thất điện năng của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Đến cuối năm 2020, đã đưa điện tới 100% số xã và 99,54% số hộ dân có điện. Hiện tại, EVN bán điện trực tiếp tới 10.285 xã/phường, tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp của ngành điện từ 89,9% năm 2012 lên 93,7% năm 2020.
Lưới điện quốc gia đã vươn tới 11/12 huyện đảo với 82/85 xã đảo, gồm Vân Đồn (1992), Cát Hải (1991), Cát Bà (1998), Phú Quý (1998), Lý Sơn (2002), Phú Quốc (2002), Cô Tô (2013), Côn Đảo (2014), Kiên Hải (2014), Bạch Long Vỹ (năm 2016), Trường Sa và Cồn Cỏ (năm 2017).
5. Tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Việt Nam hiện là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thủy điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.
EVN cũng đã vận hành 63 trung tâm điều khiển và thực hiện điều khiển xa không cần người trực với 707 trạm biến áp 220 - 110 kV (chiếm gần 83% tổng số trạm biến áp có kế hoạch chuyển đổi).
Đặc biệt, giải pháp vệ sinh cách điện hotline (trên lưới điện đang mang điện) đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011.
Năm 2019, các đơn vị EVN đã thực hiện thành công 9.376 gói thầu qua mạng, chiếm 48% tổng số gói thầu thực hiện trong năm, với tổng giá trị trúng thầu khoảng 21.700 tỷ đồng. Thực hiện thành công 12.376 gói thầu qua mạng trên tổng số 18.738 gói thầu thực hiện trong năm, chiếm tỷ lệ 66,05%, với tổng giá trị trúng thầu là 36.012 tỷ đồng.
EVN đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực và dự kiến đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi doanh nghiệp số.
6. Sáng tạo và đổi mới liên tục trong công tác kinh doanh, trong khi dịch vụ khách hàng ngày càng hiện đại và thân thiện.
EVN là đơn vị đầu tiên triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc vào năm 2015. Đến hết tháng 11/2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 70,25%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 91,54%.
Năm 2018, EVN đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 - cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ và hoàn thành việc kết nối cung cấp dịch vụ điện tại các trung tâm hành chính công, các Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Cuối năm 2019, EVN hoàn thành đưa 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và cũng là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo kết quả đánh giá của Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (nằm trong nhóm ASEAN-4), đồng thời giữ vị trí thứ 27 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế (tăng 129 bậc trong 6 năm).
7. EVN đã hoàn thành cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần được 32 đơn vị (bao gồm 8 công ty phát điện, 1 công ty phân phối điện và 23 công ty, đơn vị thuộc khối phụ trợ). Đồng thời, hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp không liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính hoặc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm chi phối; đảm bảo EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh các năm qua cơ bản đều có lãi. Đến thời điểm 31/12/2019, vốn nhà nước tại Tập đoàn ước đạt 213.337 tỷ đồng, tăng 1,77 lần so với năm 2010.
Đã có 99 nhà máy điện trực tiếp tham gia cạnh tranh trên thị trường, với tổng công suất khoảng 27.000 MW và hướng tới mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2021.
8. Năng suất lao động của toàn Tập đoàn tăng hàng năm.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, năng suất lao động của EVN tăng bình quân 6,8%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020, EVN đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động 8 - 10%/năm và đã triển khai nhiều giải pháp về tổ chức quản lý, về khoa học - công nghệ trong toàn dây chuyền sản xuất - kinh doanh của mình. Điều này giúp năng suất lao động của EVN tăng trưởng bình quân gần 10%/năm và đạt 2,5 triệu kWh/người vào năm 2020.
9. 100% công trình, dự án nhà máy điện thuộc EVN và các đơn vị của EVN đang hoạt động đều đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi vận hành. Ngoài ra, có hơn 10.000 công trình/dự án đường dây truyền tải và trạm biến áp được đầu tư xây dựng đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục môi trường theo quy định.
10. Tập đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2010 - 2019. Trong số này, có hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu (Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên) theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa, nhiều trường học; công trình Nhà văn hóa đa năng ở đảo Đá Lớn C thuộc quần đảo Trường Sa.
Phụng dưỡng trên 100 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Giảm giá điện, giảm tiền điện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19...
Tháng Tri ân khách hàng (tháng 12 hàng năm), EVN có nhiều hoạt động thiết thực, như sửa chữa, thay mới và lắp đặt miễn phí đường dây, đèn LED cho một số trường học, các hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách trên toàn quốc; hỗ trợ vệ sinh công nghiệp và bảo dưỡng các thiết bị điện nội bộ cho khách hàng sản xuất công nghiệp...
Tổ chức Tuần lễ hồng EVN với khoảng 10.000 đơn vị máu thu nhận được sau mỗi chương trình.
Tiếp nối “Hành trình ánh sáng”, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững do Đảng và Chính phủ đặt ra, định hướng chiến lược của EVN trong giai đoạn tới là phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; công ty mẹ - EVN giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; tối đa hóa hiệu quả hoạt động của EVN.
Với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động”, hơn 100.000 cán bộ - công nhân viên EVN sẽ tiếp tục vững bước, đoàn kết vượt qua thử thách, giữ cho nguồn điện không bao giờ tắt, xứng đáng với vai trò chính trong việc đảm bảo đủ điện cho đất nước.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét