Nếu không sớm chuyển đổi số, 25% thị phần ngành logistics còn lại của doanh nghiệp Việt có nguy cơ tuột khỏi tay.
DHL là một trong số hàng chục doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn |
Không chuyển đổi số sẽ mất sức cạnh tranh
Trên thị trường logistics Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics…
Thực tế, thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nắm giữ. Doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 25% thị phần. Mặc dù doanh nghiệp trong nước am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực không đồng đều, nên đi sau các doanh nghiệp nước ngoài về trình độ công nghệ.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành này tại Việt Nam những năm gần đây đạt 14 - 16%/năm, với quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.
Thị trường logistics đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các hoạt động logistics vốn được coi là “mạch máu” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Nếu không có sự thay đổi, không chuyển đổi số, doanh nghiệp logistics sẽ mất sức cạnh tranh, mất dần thị phần.
“Thực tế đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế của cách mạng số và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Mặt khác, quá trình chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, như cắt giảm chi phí hoạt động, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, qua đó, hiệu quả hoạt động và cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao...”, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel đánh giá.
Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký VLA, dự kiến đến hết năm 2021, số lượng doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ trong các hoạt động cốt lõi sẽ tăng lên mức 50-60%. Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động thông qua việc đổi mới quy trình hoạt động, sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên, kết nối tốt cung - cầu, số hóa và chuyển đổi số là cơ hội cho ngành dịch vụ logistics và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp và start-up công nghệ Việt Nam.
Thời gian qua, ngành logistics đã có sự chuyển đổi số tương đối rộng khắp; tối ưu hóa quy trình logistics giao hàng chặng cuối, tự động hóa quy trình sử dụng Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ truy xuất, nhận diện; giao dịch giữa Nhà nước và doanh nghiệp thông qua các dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Gỡ rào cản trong chuyển đối số cho logistics
Vấn đề đầu tiên mà ngành logistics đang lúng túng thuộc về nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm tới 89%) là chi phí đầu tư.
“Chi phí đầu tư cho chuyển đổi số rất lớn, từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng cho việc triển khai các giải pháp logistics. Phần lớn hội viên của VLA là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam và doanh nghiệp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mình. Ngoài ra, tâm lý doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng vào độ bảo mật, an toàn… trong số hóa”, ông Tương nhận xét.
Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ vốn vay và lãi vay ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và các start-up về giải pháp công nghệ số. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp logistics có thể mua hoặc thuê giải pháp từ các doanh nghiệp cung cấp phần mềm khi chưa có đủ khả năng tài chính.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), rào cản lớn nhất mà ngành logistics đang gặp phải là việc ít doanh nghiệp trong ngành ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao, mà đa phần áp dụng các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% ứng dụng công nghệ đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là ứng dụng cơ bản, như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử, khai báo hải quan…, trong khi dịch vụ logistics thường hoạt động theo chuỗi.
Theo đề xuất của bà Cao Cẩm Linh, việc chuyển đổi số phải làm vững chắc, theo lộ trình phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có kế hoạch dài hạn, bài bản và cẩn trọng trong từng bước.
“Việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số cần được nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Liên kết chặt chẽ trong ngành cũng như tìm kiếm tư vấn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp xác định được hướng đi phù hợp. Nếu tìm ra được mô hình phù hợp, nắm bắt được công nghệ mới, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bắt nhịp được với xu thế của thị trường”, bà Linh khuyến nghị.
Ngành logistics đang đứng trước cơ hội lớn, như thương mại điện tử trong nước phát triển bùng nổ, Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP… Chính vì thế, đây là thời cơ vàng cho doanh nghiệp logistics sớm chuyển đổi số.
Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15 - 20%/năm, chiếm tỷ trọng 8 - 10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét