Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

“Cửa sáng” M&A cho các doanh nghiệp EU

Với lực đẩy từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hoạt động đầu tư, mua bán-sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam được dự báo sôi động hơn trong thời gian tới.

.
.

Covid-19 và xu hướng M&A

EVFTA bắt đầu thực thi từ tháng 8/2020 là tín hiệu tích cực cho việc gia tăng các giao dịch M&A, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam. Thỏa thuận lịch sử này đã mở ra những cơ hội mới quan trọng trong các lĩnh vực, từ viễn thông đến giáo dục đại học, từ dịch vụ môi trường đến vận tải biển…

Có thể nói, M&A là một trong những cách thức hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam, vì chúng mang lại cho doanh nghiệp nước ngoài cơ hội tiếp cận các mạng lưới đã có sẵn, đồng thời có thể khai thác các mối quan hệ kinh doanh mới và tích hợp với chuỗi cung ứng. EVFTA đã có hiệu lực là cơ sở để dự báo, đầu tư từ châu Âu vào M&A và các lĩnh vực khác tại Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong tương lai.

Tuy nhiên, Covid-19 đang tạo ra những đám mây đen bao phủ thị trường toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã chủ động phòng, chống đại dịch hiệu quả, nhưng tại nhiều nước, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế trong một thời gian nữa. Đặc biệt, những hạn chế về di chuyển giữa các quốc gia làm gián đoạn những kế hoạch gặp gỡ, tìm hiểu trực tiếp giữa nhà đầu tư và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiềm năng, khiến việc thực hiện các thương vụ M&A trở nên khó khăn.

Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi 8 tháng đầu năm 2020, dòng vốn đầu tư M&A tại Việt Nam suy giảm. Đây cũng là xu hướng chung trên thị trường M&A toàn cầu. Ước tính, trong nửa đầu năm 2020, lượng giao dịch M&A trên toàn cầu đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giống như các doanh nghiệp trên thế giới, hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Điều này được thể hiện trong kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của EuroCham. BCI là khảo sát cập nhật thường xuyên đánh giá của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu về môi trường thương mại, đầu tư và triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

Dữ liệu mới nhất của EuroCham cho thấy, khoảng một nửa số lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì hoặc tăng mức đầu tư của họ trong quý IV/2020, nhưng một số khác lại thận trọng hơn. Nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi những tín hiệu từ môi trường thương mại, đầu tư toàn cầu và kết quả từ công tác kiểm soát đại dịch trước khi ra quyết định.

Việc Việt Nam kiểm soát Covid-19 hiệu quả hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới chính là thông điệp tích cực gửi đến các nhà đầu tư quốc tế, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và đáng tin cậy để đầu tư. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trong những năm gần đây đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy Việt Nam là thị trường phát triển nhanh và hấp dẫn đối với các giao dịch M&A.

Theo báo cáo mới nhất của Euromonitor về M&A toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 50 nền kinh tế về mức độ hấp dẫn của thị trường M&A vào năm 2021. Kết quả này được “hậu thuẫn” bởi một số yếu tố kinh tế - chính trị trong và ngoài nước, như căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, kết quả cải cách môi trường đầu tư tích cực của Chính phủ Việt Nam…

Nhân tố mới

Khung khổ pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (năm 2020) là những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng khung pháp lý về M&A. Theo đó, các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh đã được đơn giản hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực cần tiếp tục được cải thiện để thu hút thêm vốn FDI từ các doanh nghiệp châu Âu và gia tăng các giao dịch M&A trong tương lai. Ví dụ, quy định về tiếp cận thị trường và các thủ tục cấp phép vẫn còn hạn chế, bao gồm hơn 200 lĩnh vực kinh doanh “có điều kiện”, mà theo chúng tôi, cần được cắt giảm và quy định rõ hơn trong các luật liên quan.

Các doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh việc loại bỏ yêu cầu phải được phê duyệt M&A trước khi thực hiện các giao dịch M&A tư nhân, cũng như giảm bớt quyền quyết định của các cơ quan cấp phép địa phương trong việc xem xét các thương vụ M&A. Bên cạnh đó, việc xử lý các thủ tục thông quan thuế nhanh hơn và trơn tru hơn, cùng việc giảm bớt mức độ kiểm soát của Nhà nước đối với dòng vốn nước ngoài sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư EU quan tâm hơn đến các thương vụ M&A.

Trên thực tế, dù đầu tư từ EU vào Việt Nam gia tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua, song vẫn ở mức khiêm tốn khi so sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Tuy nhiên, với đòn bẩy từ EVFTA, kết quả này sẽ được cải thiện, khi các nhà đầu tư EU muốn tận dụng cơ hội và những ưu đãi tại thị trường Việt Nam.

Thời gian gần đây, một số thương vụ M&A quan trọng của các nhà đầu tư EU tại Việt Nam đã được hoàn tất, trong đó có nhiều thương vụ thuộc các lĩnh vực được quy định tại EVFTA như dược phẩm, dầu khí, năng lượng tái tạo và truyền thông. Chẳng hạn, trong những tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư Pháp đã hoàn thành 78 thương vụ M&A trị giá 27 triệu USD, tăng 37 thương vụ so với năm 2019. Trong khi đó, các nhà đầu tư Đức đã hoàn thành thêm 27 giao dịch, các nhà đầu tư Hà Lan đóng góp thêm 15 thương vụ.

Về lâu dài, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ thúc đẩy xu hướng này. Không giống EVFTA, vốn chỉ yêu cầu phê chuẩn ở cấp EU, EVIPA cần có sự phê duyệt bổ sung của từng quốc gia châu Âu, vì đầu tư vẫn là thẩm quyền của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, EVIPA có hiệu lực sẽ mang lại cho các nhà đầu tư EU niềm tin lớn hơn, vì đầu tư của EU sẽ được bảo vệ nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.

Điều này sẽ trở thành hiện thực thông qua các quy tắc bảo vệ đầu tư được cải cách và hiện đại hóa. Các quy tắc này sẽ thay thế 21 hiệp định bảo hộ đầu tư song phương đang có hiệu lực giữa Việt Nam và các nước thành viên trong EU.

Tại EVIPA, Việt Nam đã cam kết duy trì 5 nguyên tắc cơ bản, bao gồm các quy định về không phân biệt đối xử; cho phép các nhà đầu tư chuyển nhượng hoặc hồi hương các quỹ liên quan đến đầu tư; bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng trong các trường hợp trưng thu; cam kết đối xử công bằng và bình đẳng; đảm bảo các nghĩa vụ hợp đồng và pháp lý đối với nhà đầu tư sẽ được tôn trọng.

EVIPA cũng có định nghĩa rõ ràng hơn về “đối xử công bằng và bình đẳng”. Điều này sẽ đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư nhất quán hơn, loại bỏ cách diễn giải tùy nghi. Các điều khoản này, được thực thi thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp sáng tạo, sẽ giúp đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư nhất quán hơn, thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét