Trong bản kiến nghị 8 trang, cả 8 hiệp hội doanh nghiệp lớn của Việt Nam cho rằng, việc đóng 2% kinh phí công đoàn là nộp thuế 2 lần.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được giảm kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1% và chỉ phục vụ cho việc chăm lo đời sống người lao động.
Cộng đồng doanh nghiệp đang kiến nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn và chỉ dùng để chăm lo đời sống người lao động. |
Luật thiếu đồng nhất
Mới đây, 8 hiệp hội doanh nghiệp (Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Điện tử; Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM; Hiệp hội Chè Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam) đã cùng ký kiến nghị số 06102020/HHDN gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cùng một số cơ quan có liên quan khác, nêu nhiều kiến nghị về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13.
Bản kiến nghị nêu rõ, sau khi đã nghiên cứu kỹ và cùng nhau thảo luận nghiêm túc, cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, có sự không đồng nhất giữa Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cụ thể, tại Điều 8, Luật NSNN đã quy định rõ, NSNN bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, do đó, việc bảo đảm kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn thuộc trách nhiệm của NSNN. Trong khi đó, Luật Công đoàn lại yêu cầu người sử dụng lao động đóng kinh phí công đoàn. Ngay từ tên gọi của khoản thu này “kinh phí công đoàn” đã cho thấy đây là trách nhiệm của NSNN, không phải trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Vấn đề này còn được quy định chi tiết hơn tại Điều 9, Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ về các tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam “được NSNN bảo đảm theo nguyên tắc ngân sách nhà nước cấp phần chênh lệch giữa dự toán chi được xác định theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định với các nguồn thu theo Điều lệ của các tổ chức này".
Từ dẫn chứng và lập luận trên, cộng đồng doanh nghiệp nhận định, không có cơ sở để áp dụng thu kinh phí công đoàn. “Nếu Luật Công đoàn cho phép Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền thu và nắm giữ kinh phí công đoàn là tạo ra một mâu thuẫn nội tại trong hệ thống pháp luật, cụ thể là Luật NSNN”, kiến nghị chỉ rõ.
Với lập luận trên, cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, việc họ đóng thuế tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua NSNN, nên việc phải trích nộp thêm 2% kinh phí công đoàn chẳng khác gì doanh nghiệp phải đóng thuế 2 lần.
Trên dư dật, dưới thiếu thốn
Cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp còn dẫn báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 về việc quản lý, sử dụng tài chính công của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thể hiện: tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013-2019) là 100.354 tỷ đồng; tổng thu trung bình mỗi năm tăng 12%; tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.
Nhưng tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động còn thấp (chiếm 46%) so với tổng nguồn tài chính công đoàn được sử dụng các cấp trong năm. Tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chủ yếu tập trung ở cấp công đoàn cơ sở (97% kinh phí để lại của công đoàn cơ sở).
Nghịch lý ở chỗ, trong khi cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động, thì các cơ quan công đoàn cấp trên, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn, đầu tư, cho vay (gần 29.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, theo phân tích của cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp, việc chi lương, phụ cấp và quản lý hành chính cho cán bộ công đoàn chiếm tới 20.200 tỷ đồng, gần 26,3% tổng chi công đoàn, đồng nghĩa với việc cứ chi cho người lao động 1 đồng lại mất 0,5 đồng chi lương và hành chính. So sánh với cùng cơ quan quản lý hành chính thì định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác (chỉ từ 43,7 - 60,7 triệu đồng), tức là hơn từ 500% tới cả 1.000%.
Tỷ lệ nộp phí công đoàn phải theo điều kiện kinh tế
Cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp dẫn lịch sử đóng kinh phí công đoàn và nhận định: Chính phủ đã từng quyết định mức nộp kinh phí công đoàn theo từng thời kỳ, điển hình là việc nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã không phải đóng kinh phí công đoàn trong một khoảng thời gian, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (từ năm 1999 đến năm 2009).
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Tổng liên đoàn vẫn muốn giữ lại quy định với mức đóng kinh phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương. Phần kinh phí này là nguồn thu chủ yếu cho các cấp công đoàn hoạt động, thực hiện tốt chức năng của tổ chức và chăm lo cho người lao động.
Tiếp đó, khi Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài nhất định, Chính phủ đã quyết định cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng 1% và để lại toàn bộ tại doanh nghiệp. Sau đó tỷ lệ này được tăng lên 2% từ khi có Luật Công đoàn 2012.
Từ dẫn chứng, cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp nhận định, việc điều chỉnh nhằm đảm bảo quy định có tính chất linh hoạt và phù hợp với tình hình biến động kinh tế, xã hội của Việt Nam, khu vực và thế giới qua từng thời kỳ. Cách thức quy định này đã từng được áp dụng trong một số luật, ví dụ quy định về tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Việc có mức thu linh hoạt cho phép Nhà nước điều tiết các chính sách kinh tế của mình một cách thuận lợi, trong bối cảnh thế giới và tự nhiên ngày càng có nhiều yếu tố không lường được, trong khi vẫn đảm bảo hoạt động của công đoàn mà không để kết dư quá lớn, vừa đảm bảo lợi ích cho người lao động, vừa hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cho rằng, sau 8 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012, tình hình kinh tế - xã hội đã có rất nhiều thay đổi, các mức lương tối thiểu vùng đã tăng lên nhiều lần và quy mô lao động tại các doanh nghiệp đã tăng lên, khiến cho quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) trở nên khá lớn và tiếp tục phình to khi lương tối thiểu tiếp tục tăng trong các năm tới, vì vậy đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn 2% xuống mức phù hợp”, công văn kiến nghị của cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp nêu rõ.
Nên 1% và chỉ dùng chăm lo người lao động
Từ tất cả các dẫn chứng và lập luận trên, cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, Luật Công đoàn cần sửa đổi và quy định mức nộp kinh phí công đoàn tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp Quốc hội quyết định tiếp tục thu kinh phí công đoàn từ người sử dụng lao động, doanh nghiệp kiến nghị khoản tiền này “không nhằm phục vụ cho hoạt động của các cơ quan trong hệ thống công đoàn đã được NSNN cấp kinh phí”, mà chỉ phục vụ cho việc chăm lo đời sống cho người lao động tại doanh nghiệp. Điều này cũng giúp loại bỏ triệt để mâu thuẫn giữa Luật NSNN và Luật Công đoàn.
Khi đó, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần đổi tên “kinh phí công đoàn” thành khoản tiền chăm lo cho lợi ích của người lao động và khoản tiền này do Nhà nước quản lý, chứ không phải do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nắm giữ, nhằm tách biệt hẳn khoản tiền này ra khỏi các chi phí hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - tức kinh phí hoạt động thuộc trách nhiệm của NSNN.
Cộng đồng 8 hiệp hội doanh nghiệp cũng bày tỏ đồng tình với một nội dung mới được đưa vào Dự thảo là trong trường hợp gặp nhiều khó khăn (như trong đại dịch Covid-19), doanh nghiệp không phải đóng khoản kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng lưu ý, vừa qua Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất tạm hoãn thu kinh phí công đoàn do Covid-19 (chứ doanh nghiệp không được miễn nộp) với các điều kiện rất khắt khe, nên các doanh nghiệp và người lao động cũng không tiếp cận được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét