Doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ EVFTA.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ EVFTA, dù Hiệp định mới được thực thi hơn 2 tháng, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến thương mại toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập. |
Thưa bà, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đi vào thực thi được hơn 2 tháng, nhìn vào kết quả xuất khẩu, bà nhận định ra sao về sự nhập cuộc của doanh nghiệp Việt Nam?
Theo số liệu của Bộ Công thương, kể từ khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi EU (tính cả Anh), tỷ lệ C/O ưu đãi theo EVFTA đạt 7,4%.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Tôi cho rằng, kết quả thực thi EVFTA trong hơn 2 tháng qua được xem là chỉ dấu để các doanh nghiệp nhìn vào đó tự tin hơn, để triển khai tận dụng các cam kết trong hiệp định thương mại tự do (FTA) này hiệu quả hơn, nhất là khi Hiệp định vẫn còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp.
EVFTA là một FTA thế hệ mới, bao trùm nhiều lĩnh vực. Đâu là những điểm khác biệt giữa hiệp định này với 12 FTA đã có hiệu lực trước đó?
EVFTA không phải là FTA quá mới mẻ với Việt Nam, vì đây là hiệp định thứ 13 mà Việt Nam tham gia đã đi vào thực thi và trước đó, chúng ta đã có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - cũng là một FTA thế hệ mới.
Khác biệt của EVFTA là ở đối tác. Lúc đàm phán, khu vực này có 28 thành viên, nhưng hiện còn 27. Cần phải nói thêm, trong số các FTA mà Việt Nam ký kết trong 10 năm trở lại đây, ngoại trừ một hiệp định nhỏ với Chi Lê, còn tất cả FTA đều được ký kết với những đối tác mà trước đó đã ký kết FTA song phương với Việt Nam. Nhưng với với EVFTA, cả 27 quốc gia thành viên EU đều chưa có FTA với Việt Nam. Chúng tôi đã gọi EVFTA là FTA “27 trong 1”, để có thể mường tượng được ý nghĩa của Hiệp định với Việt Nam khi ta có được con đường thông thương với khu vực kinh tế rộng lớn này.
EVFTA đi vào thực thi đúng lúc Covid-19 diễn biến phức tạp. Thực tế này ảnh hưởng thế nào đến việc thực hiện EVFTA, thưa bà?
Một điểm rất rõ trong các FTA đã thực thi là phần lớn đối tác có nền kinh tế tương đồng, thậm chí cạnh tranh với Việt Nam.
Nhưng EVFTA là một bức tranh khác, không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, thậm chí là bổ sung cho nhau, nên EVFTA đi vào thực thi, cơ hội để cùng thắng lớn hơn đáng kể so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đó. Đặc biệt, nếu nhìn một FTA ở góc độ là cơ hội lớn cho xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì EVFTA là một hiệp định cực kỳ đáng chú ý, bởi EU là thị trường có sức mua lớn thứ 2 thế giới, dù dân số không quá lớn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam.
EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh dịch bệnh, nếu chỉ xét thị trường xuất khẩu, thì toàn bộ các thị trường đang có biến động cực lớn theo hướng khó khăn hơn ở tất cả các thị trường. Trong bối cảnh đó, chỉ cần một con đường nào đó được mở ra, cho phép ta có thêm một chút lợi thế đã là rất đáng quý.
Để hỗ trợ doanh nghiệp về EVFTA, Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đã xuất bản cuốn “Cẩm nang doanh nghiệp: Tóm lược Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu”. Doanh nghiệp sẽ có được những thông tin gì từ ấn phẩm này, thưa bà?
EVFTA không phải là một FTA quá mới mẻ, nhưng đây là một văn kiện quá đồ sộ, với 17 chương, 2 nghị định thư và rất nhiều văn bản kèm theo, nên thực sự khó với doanh nghiệp khi tìm hiểu.
Từ khi chúng tôi tiếp cận được văn bản của hiệp định này vào năm 2016, khi FTA được công bố, chúng tôi đọc trong suốt 5 năm, đọc lại khi một số cam kết thay đổi và cố gắng rút từ một rừng cây thành một cái cây với những vấn đề cơ bản nhất được đưa ra trong cuốn “Cẩm nang doanh nghiệp: Tóm lược Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu”.
Đây là tài liệu tóm lược các nội dung cốt lõi của Hiệp định, lựa chọn trong số các cam kết có tác dụng trực tiếp nhất và dự kiến có ảnh hưởng nhiều nhất đến lợi ích của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, VCCI tiếp tục triển khai hoạt động thông tin về các cam kết EVFTA và hướng dẫn tận dụng FTA này với mức độ sâu hơn, chi tiết hơn để từng ngành, từng doanh nghiệp chuẩn bị kỹ hành trang cho việc hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét