Tác giả Lê Hồng Lâm tại Hà Nội tháng 7-2020
Vừa có chuyến ra Hà Nội cuối tháng 7-2020 để tham dự hội thảo “Tham vấn những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam” nằm trong khuôn khổ dự án UNESCO “Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim” tại Đông Nam Á do UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hợp tác tổ chức, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm có dịp chia sẻ riêng ngoài lề về công trình biên khảo điện ảnh mới nhất của anh vừa được NXB Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần sách Tao Đàn ấn hành.
Lê Hồng Lâm cho biết: “Khảo cứu điện ảnh miền Nam trong giai đoạn từ 1954-1975 là dự án cá nhân nhằm góp phần phục dựng những di sản điện ảnh trong quá khứ đang có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất vĩnh viễn. Với sự hỗ trợ của quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh, tôi tiến hành khảo cứu qua những nguồn tư liệu, báo chí, hồi ký giai đoạn 1954-1975 tại thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, các nguồn tư liệu, lưu trữ cá nhân và chuyến công tác tại Mỹ trong khoảng 1 tháng để gặp gỡ nhiều nhân chứng, diễn viên năm xưa. Từ đó, tôi tái hiện và phục dựng lại không khí điện ảnh của một thời thăng trầm mang chủ đề Người tình không chân dung”.
Hai nhan sắc vang bóng một thời Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương - Ảnh tư liệu
- Phóng viên: Xin anh chia sẻ vài dữ liệu chính sau quá trình biên khảo?
- Nhà báo Lê Hồng Lâm: Sau Hiệp định Genève, tại miền Bắc, điện ảnh được Nhà nước cấp kinh phí sản xuất những bộ phim mang tính tuyên truyền, được gọi là điện ảnh cách mạng (bộ phim truyện điện ảnh cách mạng đầu tiên là “Chung một dòng sông” năm 1959).
Trong khi đó tại miền Nam, điện ảnh tư nhân bắt đầu xuất hiện từ năm 1955 và đạt đến đỉnh cao về số lượng vào năm 1957 khi có tới 37 bộ phim truyện được sản xuất. Nền điện ảnh hoàn toàn phát triển theo quy luật cung - cầu và điều tiết theo thị trường. Nhiều hãng phim tư nhân xuất hiện từ rất sớm nhưng cũng tàn lụi rất nhanh. Tức là nếu thất bại về doanh thu và hết vốn, họ tự động đóng hãng phim.
Điện ảnh rất phát triển trong vài năm đầu rồi thoái trào cũng nhanh chóng, nó chỉ thực sự phục hồi trở lại vào giai đoạn từ 1969-1975. Đây được xem là giai đoạn “trăm hoa đua nở” với khoảng 60 hãng phim đăng ký hoạt động. Không chỉ các hãng phim tư nhân xuất hiện từ thập niên 50 như Tân Việt, Alpha, Mỹ Vân, Việt Thanh… chớp thời cơ sản xuất phim ồ ạt trở lại mà nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng có lượng công chúng riêng cũng thành lập hãng phim tư nhân.
- Những đạo diễn tài năng và có phim chiếu thành công thời ấy là những ai, thưa anh?
- Nhiều đạo diễn được đào tạo bài bản từ nước ngoài như Lê Mộng Hoàng, Lê Dân, Hoàng Anh Tuấn hay sau này là Đặng Trần Thức, Lê Hoàng Hoa, Thân Trọng Kỳ, bên cạnh những đạo diễn tự học như Hoàng Vĩnh Lộc, Đỗ Tiến Đức… Họ đạo diễn nhiều bộ phim ăn khách có doanh thu lên đến hàng chục triệu đồng lúc bấy giờ. Một số bộ phim có giá trị tư tưởng hoặc nghệ thuật, đoạt các giải thưởng điện ảnh.
Trong bài “Điện ảnh Việt Nam trong quá trình xây dựng và trưởng thành”, đạo diễn Thân Trọng Kỳ ghi nhận có ít nhất 27 bộ phim đáng nhớ, điểm theo tên của đạo diễn như: Hoàng Vĩnh Lộc (có 4 phim), Lê Hoàng Hoa, Thân Trọng Kỳ, Lê Mộng Hoàng (3 phim), Bùi Sơn Duân, Lê Dân (2 phim).
Một số đạo diễn chỉ có 1 phim nhưng rất nổi bật như Đặng Trần Thức, Thái Thúc Nha, Lê Quỳnh, Hoàng Anh Tuấn, Lưu Bạch Đàn, Đỗ Tiến Đức, Nguyễn Long, Nguyễn Văn Tường và Võ Doãn Châu… Số lượng phim đạt đến cực thịnh vào năm 1971 - 1972. Trong gần 20 năm tồn tại và phát triển, điện ảnh miền Nam sản xuất được khoảng 250 - 300 bộ phim (số liệu không chính thức), đây là một số lượng khá lớn trong giai đoạn sơ khai của điện ảnh Việt Nam nói chung.
Sách biên khảo điện ảnh “Người tình không chân dung”
- Trong biên khảo của anh, người đọc cũng được nhìn ngắm lại nhiều nghệ sĩ “người muôn năm cũ”…
- Lực lượng diễn viên đông đảo một phần được các đạo diễn phát hiện như Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Lê Quỳnh, Mai Trâm, Khánh Ngọc, Trần Quang…, một phần được chuyển từ sân khấu cải lương, thoại kịch, tân nhạc sang như Kim Cương, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Lan, Hùng Cường, Thành Được. Đây là giai đoạn xuất hiện nhiều ngôi sao thực thụ, có sức ảnh hưởng lớn đối với khán giả trong nước và quốc tế.
Trong những kỳ Đại hội điện ảnh Á châu tổ chức ở Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, nhiều ngôi sao điện ảnh như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương xuất hiện lộng lẫy không kém gì các ngôi sao trong khu vực, họ cũng đoạt một số giải thưởng điện ảnh được các kỳ đại hội điện ảnh trao tặng.
Trong các dự án hợp tác với quốc tế, đặc biệt là Hollywood, Kiều Chinh là tên tuổi hàng đầu khi được mời đóng vai chính bên cạnh các tài tử Hollywood, Bollywood trong các bộ phim được quay tại Việt Nam hay Philippines… Có thể nói rằng cho dù hầu hết những bộ phim trong giai đoạn này đều mang tính giải trí, hướng tới khán giả bình dân vốn thần tượng các ngôi sao của sân khấu kịch nghệ chuyển sang điện ảnh, nhưng vẫn có những tác phẩm điện ảnh có giá trị do những đạo diễn được đào tạo bài bản hoặc có tư tưởng cấp tiến thực hiện.
- Xin cảm ơn anh!
“Tôi mất gần 2 năm cho dự án khảo cứu này. Dù vậy đây là một công trình mang tính cá nhân và chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót. Đây chỉ là một dự án từ tâm huyết của người yêu thích điện ảnh và dành nhiều mối quan tâm đến di sản văn hóa, đặc biệt là điện ảnh của Việt Nam trong quá khứ. Do điều kiện khách quan và cả chủ quan, số lượng phim tôi được xem vẫn còn quá ít ỏi.
Các tài liệu báo chí, hồi ký hay tư liệu cá nhân không đầy đủ và tôi cũng chỉ gặp gỡ, phỏng vấn được một số nhân chứng của điện ảnh trong giai đoạn 1954-1975, do rất nhiều nhân vật quan trọng khác đặc biệt là những đạo diễn lớn đều đã qua đời. Như tên của dự án, điện ảnh miền Nam là một “người tình” mà tôi chưa bao giờ gặp “chân dung”, cũng không có nhiều trải nghiệm.
Tôi chỉ tìm lại bóng dáng của “người tình” đó qua những nguồn tư liệu, những lát cắt nhỏ, những lời kể, những cuộc gặp gỡ để nhằm tái hiện lại bức chân dung không rõ mặt. Hy vọng sẽ có thêm nhiều công trình nghiên cứu đầy đủ hơn trong tương lai!”
Tác giả Lê Hồng Lâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét