Luật Dầu khí năm 2022 có những điều khoản nhằm tối ưu hiệu quả kinh tế của những mỏ nhỏ, mỏ cận biên; khi có hiệu lực thi hành sẽ giúp PVEP đưa vào ít nhất 12 dự án.
Trao đổi với báo chí gần đây, ông Trần Hồng Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) cho hay, theo đánh giá sơ bộ của PVEP, Luật Dầu khí mới khi có hiệu lực thi hành sẽ giúp PVEP đưa vào ít nhất 12 dự án mà nếu không có những điều kiện ưu đãi thì 12 dự án này sẽ mãi chỉ tiềm năng, không thể đưa vào khai thác.
Luật Dầu khí lần này được đưa ra trong bối cảnh các hoạt động đầu tư tại Việt Nam giảm sút mạnh. Những điều khoản trong Luật mới khuyến khích các nhà đầu tư, các công ty dầu khí tham gia đầu tư vào các mỏ nhỏ cận biên, là những đối tượng mà PVEP đang rất chú trọng đưa vào để giải bài toán duy trì sản lượng. Trong Luật Dầu khí năm 2022 đã có những cơ chế ưu đãi, điều khoản nhằm tối ưu hiệu quả về kinh tế của những mỏ nhỏ, mỏ cận biên.
ổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam cùng các cán bộ, người lao động trên công trình dầu khí |
“Với những điều kiện ưu đãi cùng với các thủ tục đầu tư rõ ràng, trong bối cảnh giá dầu ổn định, PVEP tự tin sẽ kiểm soát được chi phí, kiểm soát được công nghệ để triển khai các dự án đấy một cách hiệu quả, đem lại nguồn thu cho đất nước”, ông Trần Hồng Nam cho hay.
Ngoài ra, PVEP hiện cũng đang tích cực phối hợp cùng với các cơ quan thẩm quyền sửa đổi, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 124 về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai các dự án dầu khí trong tương lai.
Trước đó, giai đoạn 2015-2021, khi giá dầu giảm đến mức tiêu cực, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, PVEP cũng đã bộc lộ những vấn đề trong hoạt động của mình.
Ở thời điểm khó khăn chồng chất khó khăn, lãnh đạo PVEP đã nghiêm túc nhìn nhận lại toàn bộ công tác quản lý, điều hành của bộ máy, cũng như toàn bộ nguồn nhân lực, để từ đó, có những biện pháp, giải pháp cực kỳ quyết liệt nhằm thay đổi từ bộ máy điều hành đến các đơn vị thành viên.
Công tác quản trị được siết chặt và thay đổi theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Những chi phí trực tiếp liên quan đến sản xuất, chi phí liên quan đến việc khai thác từng thùng dầu đã được cải thiện rất nhiều, và đang mang lại hiệu quả tích cực.
“Khi mà chi phí trên thùng dầu được kiểm soát thì chúng tôi bắt đầu đánh giá lại những dự án mà trước kia mình chưa khai thác được, nghiên cứu những giải pháp phù hợp từ công nghệ, kỹ thuật để từ đó đưa các mỏ nhỏ, cận biên vào khai thác”, ông Nam nói và cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, để kiếm được mỏ dầu khí lớn rất là khó. Chính vì vậy, PVEP phải đi “mót” từng mỏ nhỏ.
Mỏ Đại Hùng từng được các nhà thầu nước ngoài quyết định rút lui và để lại toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đã đầu tư với giá tượng trưng 1 USD để Petrovietnam nhận lại toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của dự án. Chỉ tính từ khi PVEP tiếp nhận dự án năm 2003 đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt 44 triệu thùng dầu, doanh thu 82.077 tỉ đồng (3,67 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước 12.061 tỉ đồng (534 triệu USD). |
Khi việc tận thu khai thác từng mỏ nhỏ gom vào sẽ được triển khai liên tục cũng giúp duy trì được sản lượng khai thác, giúp duy trì được nguồn thu cho Tổng công ty, khai thác được tài nguyên cho đất nước và có nguồn tiền để tiếp tục đầu tư cho tương lai.
Hiện mục tiêu được PVEP đặt ra là đảm bảo về an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cho những người dân được tiếp cận những nguồn năng lượng với chi phí hợp lý. Điều này được thực hiện thông qua việc giữ được sản lượng khai thác dầu khí để đáp ứng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Song song với trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PVEP cũng xác định trách nhiệm với các vấn đề về môi trường, về biến đổi khí hậu và đang triển khai một loạt những cái giải pháp để ứng phó. Cụ thể là giảm phát thải trong khai thác dầu khí thông qua các giải pháp cụ thể.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của PVEP cũng sẽ dần dần chuyển dịch theo hướng từ dầu sang khí và theo hướng chế biến sâu hơn, tận dụng được tốt hơn sản phẩm của dầu thô và khí tự nhiên đưa lên theo đúng tinh thần phát huy chuỗi giá trị của Tập đoàn.
Ngoài ra, PVEP cũng đang phối hợp với rất nhiều công ty, tổ chức ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu nghiên cứu, đánh giá về việc thu gom, tàng trữ và chôn lấp CO2 dưới lòng đất từ cơ chế chính sách đến công nghệ, kỹ thuật.
“PVEP sẽ hướng đến triển khai một số dự án thí điểm, từ đó góp phần giảm phát thải. Đây là những mục tiêu lớn, dài hạn nhưng cũng đầy tham vọng của PVEP trong quá trình thích ứng với chuyển dịch năng lượng đang diễn ra”, ông Nam cho hay
0 nhận xét:
Đăng nhận xét