Chủ tịch Vietnam Airlines kiến nghị điều tiết tải cung ứng, kiểm soát số lượng tàu bay
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), trong giai đoạn hiện nay vẫn cần điều tiết tải cung ứng và kiểm soát số lượng tàu bay các hãng.
Phát biểu này của Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Bộ GTVT diễn ra tại Hà Nội vào chiều 10/7.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường vận tải hàng không nội địa phục hồi tương đối tốt, vượt khoảng 8% so với thời điểm trước dịch Covid-19 bùng nhưng thị trường vận tải hàng không quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, mới chỉ đạt khoảng 60%.
Đối với Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia đã phục hồi cơ bản mạng bay ở nội địa và quốc tế. Đối với thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đã khai thác 54 đường bay quốc tế với 28 điểm cầu ở 18 quốc gia. Tại thị trường nội địa, Vietnam Airlines đang khai thác 45 đường bay tới 21 điểm đến.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Vietnam Airlines, trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường vận tải hàng không còn nhiều khó khăn do mâu thuẫn địa chính trị của các nước lớn như Nga - Ukraine làm cho giá nhiên liệu bay diễn biến rất khó lường. Có thời điểm, giá nhiên liệu tăng gấp đôi so với năm 2019. Trong khi đó, giá nhiên liệu có thời điểm chiếm đến 60% và hiện nay chiếm 50% giá vé máy bay.
Được biết, với quy mô đội tàu bay của Vietnam Airlines, giá nhiên liệu bay tăng/giảm 1 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu năm 2023 của Vietnam Airlines tăng/giảm tương ứng khoảng 220 tỷ đồng.
Do dư thừa cung tải nên dù giá nhiên liệu bay, tỷ giá giữa VNĐ và USD ở mức cao nên giá vé máy bay ngay giữa cao điểm hè 2023 là rẻ nhất trong 6 năm trở lại đây, gây khó khăn cho các hãng hàng không.
Chủ tịch Vietnam Airlines đề xuất Bộ GTVT có giải pháp kiểm soát số lượng máy bay hoạt động để vừa tránh tắc nghẽn sân bay vừa tránh dư thừa cung tải; đồng thời xem xét nâng mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
“Các hãng bay đang rất khó khăn, thậm chí đã có hãng hàng không phải xin Chính phủ bảo hộ. Vì vậy đề nghị Bộ GTVT sớm báo cáo Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không để phục hồi”, lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.
Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn gửi các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị tham gia ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Điểm nhất nổi bật nhất là trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT là việc Bộ GTVT đề xuất nâng mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 của 4/5 nhóm đường bay với mức tăng trung bình 3,75% so vơi khung giá quy định hiện hành.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thực tế mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa quy định tại Thông tư số 17 đã được áp dụng từ năm 2015. Cho đến nay, các yếu tố hình thành giá đã thay đổi, đặc biệt là sự biến động tăng lớn của giá nhiên liệu bay Jet-A1 và tỷ giá.
Với những lý do nói trên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng mức tối đa giá dịch vụ vân chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được quy định tại Thông tư số 17 đã không còn phù hợp và cần sớm điều chỉnh khung giá để tạo điều kiện thuân lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét