6 tháng, TKV nộp ngân sách tăng thêm 8.000 tỷ đồng so với năm ngoái
Trong 6 tháng đầu năm, TKV đã cung cấp trên 21,16 triệu tấn than cho các hộ điện, đạt 55% kế hoạch, tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thêm 3 triệu tấn than cho điện
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngoài việc chịu tác động của kinh tế thế giới còn bị ảnh hưởng bởi nhiều thách thức mới.
Đó là Quy hoạch ngành chưa được phê duyệt kéo theo việc xin ra hạn, cấp mới Giấy phép khai thác không được triển khai theo kế hoạch. Cạnh đó, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế trong nước tăng cao tạo áp lực lớn đến việc sản xuất, cung ứng than của Tập đoàn cho sản xuất điện.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo điều hành của TKV cùng với các đơn vị đã quyết liệt trong thực hiện điều hành sản xuất để cung cấp than cho hộ sản xuất điện vượt kế hoạch đã đề ra.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về sản xuất, đáp ứng than cho nhiệt điện |
Kết thúc 6 tháng năm 2023, hầu hết các đơn vị đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch sản xuất, tiêu thụ Tập đoàn giao.
Tính chung 6 tháng, doanh thu toàn TKV đạt 87.000 tỷ đồng, chiếm 51,6% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ than vẫn chiếm chi phối với 56.500 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch năm, bằng 111,2% so với cùng kỳ.
Sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 11.400 tỷ đồng; sản xuất, bán điện đạt 5.860 tỷ đồng; sản xuất cơ khí đạt 1.560 tỷ đồng; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp 3.850 tỷ đồng; sản xuất kinh doanh khác 7.830 tỷ đồng.
Toàn Tập đoàn hiện có 94.486 người, đời sống việc làm và thu nhập người lao động không ngừng cải thiện. Tiền lương bình quân là 16,1 triệu đồng/người/tháng, bằng 108% kế hoạch và bằng 112% so với cùng kỳ; trong đó sản xuất than 16,7 triệu đồng/người/tháng, bằng 108% kế hoạch.
Lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt trên 3.000 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch năm và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Toàn TKV cũng đã nộp ngân sách Nhà nước 17.600 tỷ đồng, bằng 86% so với kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 8.000 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng qua, sản lượng than tiêu thụ đã đạt 25,3 triệu tấn, bằng 54% kế hoạch và bằng 103% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính với 25 triệu tấn. Đặc biệt là cung cấp than cho hộ điện trên 21,16 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đánh giá cao việc điều hành sản xuất, tăng sản lượng đáp ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện trong đợt cao điểm nắng nóng.
Xuất khẩu than cũng đạt thấp với 200.000 tấn, bằng 15% kế hoạch năm.
Lượng than tồn trên kho, bãi tại các đơn vị hiện là 4,6 triệu tấn; tồn kho than sạch và than nhập khẩu bao gồm hàng đi đường 4,2 triệu tấn, còn than nguyên khai tồn kho khoảng 0,4 triệu tấn.
Thách thức chưa vơi
Trong 6 tháng, lượng than nguyên khai sản xuất 20 triệu tấn, chỉ đạt 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên than sạch thương phẩm đã 25 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ là sự cố gắng lớn trong công tác điều hành của Tập đoàn trong điều kiện các giấy phép khai thác bị giới hạn công suất khai thác.
Điều cũng đang lo ngại là việc chuẩn bị cho tương lai cũng có nhiều thách thức do giấy phép khai thác chưa được cấp mới.
Cụ thể, khối lượng bốc xúc đất đá chỉ đạt 64 triệu m3, bằng 41% kế hoạch năm, bằng 84% so cùng kỳ.
Tổng số mét lò đào được là 132.580 mét, bằng 48% kế hoạch năm và bằng 111% so cùng kỳ năm 2022 nhưng mét lò xây dựng cơ bản chỉ có 1.940 mét, bằng 29% kế hoạch và bằng 76% so với cùng kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra sản xuất tại khai trường Than Hà Tu |
Điều này nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng lớn tới việc khai thác than trong thời gian tới, nhất là khi nhu cầu than cho điện vẫn ở mức cao và việc nhập khẩu cũng có những ẩn số khó lường do biến động của thị trường quốc tế và việc giảm xuất khẩu tại một số nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị thực hiện đầu tư của Tập đoàn các công ty TKV ước đạt 3.700 tỷ đồng, bằng 68% so với kế hoạch chính thức, trong đó đầu tư cho công nghiệp than thực hiện được 1.977 tỷ đồng; khoáng sản là 1.270 tỷ đồng; công nghiệp điện 45 tỷ đồng; hóa chất - vật liệu nổ công nghiệp và các lĩnh vực khác là 414 tỷ đồng.
Đây cũng là mức đầu tư khá thấp so với nhu cầu về than và các khoáng sản khác.
Ở khía cạnh đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường cộng đồng, trong 6 tháng qua, ngành than đã trồng cây phủ xanh, cải tạo phục hồi môi trường trên 90 ha; vận hành ổn định nhà máy xử lý chất thải nguy hại và đã xử lý được 1.600 tấn chất thải ngụy
Cũng đã có 57,7 triệu m3 nước thải được xử lý với tiêu chí xử lý 100% nước thải trước khi xả thải ra môi trường đảm bảo quy chuẩn môi trường và triển khai phối hợp với Viện độc lập các vấn đề môi trường UFU (CHLB Đức) thực hiện gia hạn chương trình hợp tác về trồng thử nghiệm cây năng lượng tại Lâm Đồng.
Sản lượng than sản xuất và nhập khẩu là 10 triệu tấn.
Tiêu thụ than đạt 12,2 triệu tấn, trong đó than cho hộ điện là 9,85 triệu tấn, cho hóa chất và alumin 620.000 tấn, cho xi măng là 470.000 tấn, các hộ khác là 870.000 tấn. Xuất khẩu đạt 390.000 tấn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét