Có nên cải tổ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông “2 trong 1” như hiện nay, bởi ngày càng ít trường đại học tuyển sinh phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này? Đây vẫn đang là câu hỏi gây tranh cãi.
Mất dần vai trò?
Nhiều năm nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức nhằm đánh giá kết quả học tập của người học, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, cũng như làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh.
Tuy nhiên, trong các kỳ tuyển sinh đại học gần đây, ngày càng nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá đúng hơn năng lực của thí sinh, phù hợp với mục tiêu xét tuyển của trường. Chưa kể, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đều đạt trên 95%, vậy nên một số ý kiến cho rằng, việc duy trì kỳ thi “2 trong 1” là không cần thiết. Đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cần lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay.
TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, nên tách 2 kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vì mục đích quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh đại học lại mang tính chuyên sâu, nên không thể dùng kết quả để đạt được 2 mục tiêu.
Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, có 6 cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển và hàng trăm trường đại học lấy kết quả này để xét tuyển.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng phân tích, thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm mục đích kiểm tra năng lực học sinh và chất lượng dạy học theo chương trình phổ thông. Trong khi đó, tuyển sinh đại học là sự chọn lọc, so sánh năng lực giữa các thí sinh phù hợp với từng phân khúc trường, nên độ phân loại cần phải cao hơn với thi trung học phổ thông. Nếu kết hợp 2 kỳ thi này với nhau sẽ rất khó để đánh giá đúng thực chất học sinh. Điều này đã được chứng minh rất rõ ở những mùa tuyển sinh vừa qua, ở việc lạm phát điểm chuẩn ở các trường đại học đến mức bất thường.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, có 6 cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển và hàng trăm trường đại học lấy kết quả này để xét tuyển. Các kỳ thi riêng gồm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, kỳ thi riêng của ngành công an, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi riêng của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi riêng của Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Trong kỳ tuyển sinh đại học tới, các trường đại học phía Bắc giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023: Trường đại học Kinh tế quốc dân quyết định sử dụng 72% chỉ tiêu xét tuyển từ các kỳ thi riêng (năm 2022 là 60%), chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm từ 35% xuống còn 25%, còn lại là tuyển thẳng, xét chứng chỉ. Ở phía Nam, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng vừa công bố danh sách gần 90 trường đại học, cao đẳng sử dụng điểm thi đánh giá năng lực năm 2023 để xét tuyển.
Duy trì sự “ổn định”
PGS-TS Nguyễn Phong Điền (Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá, nhìn lại 5 năm thực hiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cho 2 mục đích và 2 năm thi tốt nghiệp, nhưng vẫn sử dụng kết quả tuyển sinh đại học cho thấy, cách làm này cần thay đổi, vì không thể ra đề thi thỏa mãn được yêu cầu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Từ năm 2021, nhiều cơ sở đào tạo lớn đã dành rất ít chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Xu thế tập hợp theo nhóm xét tuyển, sử dụng kết quả từ phương thức tuyển sinh chung cũng là hướng khả thi trong các năm tới.
Với những ý kiến đề xuất cần phải cải tiến hoặc thay đổi kỳ thi “2 trong 1”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, trong vài năm tới sẽ không có sự thay đổi đáng kể. Hiện tại, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Như vậy, trong 2 năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt chịu trách nhiệm ra đề thi, giao địa phương coi thi, chấm thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kết quả thi vẫn sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các bên liên quan có thể tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lý giải quyết định này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, việc tổ chức kỳ thi như hiện tại là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện của từng vùng, miền. Bên canh đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức nhằm cũng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét