Thánh Valentine là ai, nguồn gốc ngày lễ Valentine ra sao và sự khác biệt giữa các quốc gia trong ngày Valentine thế nào được lý giải như sau:
Thánh Valentine là ai?
Đã có nhiều vị thánh tử vì đạo của Kitô giáo tên là Valentine. Hai Valentines có vinh dự tử vì đạo vào ngày 14 tháng hai là Valentine thành Roma (Valentinus presb. M. Romae) và Valentine của Terni (Valentinus ep. Interamnensis. M. Romae).
Valentine của Rome là một linh mục ở Rome, người đã chịu tử đạo khoảng năm 269 và được chôn cất trên con đường Via Flaminia. Di hài của ông hiện nay đặt tại nhà thờ của thánh Praxed tại Rome, và nhà thờ Whitefriar dòng Cát Minh, ở Dublin, Ireland.
Valentine thành Terni đã trở thành giám mục của Interamna (hiện nay là Terni) khoảng năm 197 và được cho là đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới thời hoàng đế Aurelianus. Ông cũng được chôn cất trên đường Via Flaminia, nhưng ở một vị trí khác so với Valentine của Rome. Di hài của ông hiện nay đặt tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Valentine ở Terni (Basilica di San Valentino)
Bách khoa toàn thư Công giáo cũng nói về một vị thánh thứ ba có tên là Valentine đã được đề cập trong danh sách những người tử vì đạo trong ngày 14 tháng hai. Ông đã chịu tử đạo ở châu Phi với một số đồng đạo, nhưng không có gì hơn là được biết về ông.
Không có yếu tố lãng mạn nào có mặt trong tiểu sử của các vị thánh tử đạo này vào đầu thời trung cổ. Vào thời điểm một vị thánh Valentine liên quan đến chuyện tình lãng mạn vào thế kỷ 14, thì sự phân biệt giữa Valentine thành Rome và Valentine thành Terni đã hoàn toàn bị mất.
Vào năm 1969, trong việc sửa đổi Lịch các thánh, ngày lễ Thánh Valentine vào ngày 14 tháng 2 đã được đưa ra khỏi Lịch chung và được đưa vào hạng đặc biệt (lịch địa phương hoặc thậm chí quốc gia).
Nguồn gốc về ngày lễ tình nhân - Valentine
Có rất nhiều thông tin về nguồn gốc ngày lễ Valentine, giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là:
Thánh Valentine thành Terni và các tông đồ, bức tranh do Richard de Montbaston của Pháp vào thế kỷ 14 |
Valentine là một linh mục dưới thời Hoàng đế La Mã Claudius II. Lúc bấy giờ là thế kỷ thứ 3, Đế quốc La Mã phải tham gia nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu và không được dân ủng hộ.
Do gặp phải khó khăn khi kêu gọi các chàng trai trẻ gia nhập vào quân đội, Claudius II cho rằng nguyên nhân chính là đàn ông La Mã không muốn rời xa gia đình hay người yêu của họ và hôn nhân chỉ làm người đàn ông yếu mềm; do đó, Claudius II ra lệnh cấm tổ chức các đám cưới hoặc lễ đính hôn để tập trung cho các cuộc chiến.
Linh mục Valentine ở thành La Mã, cùng Thánh Marius đã chống lại sắc lệnh của vị hoàng đế hùng mạnh và tiếp tục cử hành lễ cưới cho các đôi vợ chồng trẻ trong bí mật. Khi bị phát hiện, linh mục Valentine đã bị bắt và kết án tử hình bằng hình thức kéo lê và bị ném đá cho đến chết.
Buổi chiều trước khi ra pháp trường, ông gửi tấm "thiệp Valentine" đầu tiên cho cô con gái của viên cai tù Asterius, người thiếu nữ mù lòa bẩm sinh đã được ông chữa lành bằng phép lạ trước đó, và ký tên "dal vostro Valentino" - from your Valentine ("Từ Valentine của con"). Cho đến nay, các cặp tình nhân vẫn có truyền thống ký tên bằng cụm từ "From your Valentine" của ngày xưa thay vì tên mình trong các tấm thiệp Valentine.
Dần dần, ngày 14 tháng hai hàng năm đã trở thành ngày trao đổi các bức thông điệp của tình yêu và Thánh Valentine đã trở thành vị Thánh bổn mạng của những lứa đôi. Người ta kỷ niệm ngày này bằng cách gửi cho nhau những bài thơ và tặng cho nhau những món quà truyền thống là hoa hồng và socola.
Ngày lễ tình nhân tại các quốc gia
Theo U.S. Greeting Card Association Mỹ, mỗi năm có hơn 1 tỷ thiệp Valentine được trao tay trong ngày lễ này trên thế giới, chỉ xếp hạng sau ngày Lễ Giáng Sinh. Tổ chức này ước lượng khoảng 85% khách hàng mua thiệp Valentine là phụ nữ.
Tại các trường tiểu học tại Bắc Mỹ, các giáo viên thường cho các em học sinh tự làm thủ công thiệp Valentine cho bạn bè trong lớp, các tấm thiệp đơn sơ do các em tự cắt vẽ và tô màu này phản ảnh những điều mà các em cảm kích về mỗi người bạn khác phái của mình trong lớp học.
Người Anh và Pháp đã tổ chức lễ này từ thời Trung cổ, nhưng đến thế kỷ 17, tập tục tặng thiệp làm bằng tay cho người yêu mới phổ biến. Hình ảnh thường thấy là hình trái tim, hoa hồng, mũi tên và vị thần tình yêu Cupid.
Tại Nhật Bản, nhiều nữ nhân viên có bổn phận phải tặng chocolate, bánh kẹo, hoa quả cho các nam đồng nghiệp. Tục lệ này mang tên giri-choko; giri có nghĩa là "bổn phận", choko là chocolate. Đúng một tháng sau đó, trong ngày 14 tháng 3, tức ngày White Day, phía nam có bổn phận phải tặng quà lại cho các nữ đồng nghiệp đã chiếu cố đến mình trong ngày Valentine, những món quà này thông thường phải mang màu trắng.
Tại Iran, Ả Rập Saudi, Malaysia và một số quốc gia theo Hồi giáo, cấm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, mừng và bán những món quà ngày lễ tình nhân, kể cả hoa hồng đỏ vì họ cho rằng ngày Valentine là khuyến khích các quan hệ ngoài hôn nhân, nên bị cấm "nhằm ngăn chặn sự lây lan của văn hóa phương Tây".
Tại Brasil, ngày Dia dos Namorados (Ngày của các tình nhân) được tổ chức vào ngày 12 tháng 6.
Trong khi đó, tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, ngày truyền thống tình yêu là ngày 7 tháng 7 âm lịch, còn gọi là "Thất tịch".
Tại Việt Nam, lễ tình nhân mới du nhập vào thời gian gần đây và các đôi yêu nhau chủ yếu là giới trẻ, họ tặng hoa, socola, gửi thiếp, mời nhau đi ăn, hẹn hò, xem phim và nhiều hoạt động khác trong ngày Valentine. Vào ngày 14 tháng 2 năm 2008, nhiều cặp tình nhân đã tổ chức cưới tập thể dưới nước tại Hòn Mun, Nha Trang. Một hội thi hôn tập thể tại Đà Lạt cũng được tổ chức vào ngày này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét