Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Thiếu cả giáo viên lẫn đồ dùng dạy học
Ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 được 4 năm, song theo phản ánh từ nhiều cơ sở giáo dục, việc giảng dạy đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều trường thiếu đồ dùng dạy học theo chương trình mới, nên học sinh vẫn phải học chay |
Thiếu đồ dùng
Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện ở cấp tiểu học (lớp 1, 2, 3), cấp trung học cơ sở (lớp 6, 7), cấp trung học phổ thông (lớp 10). Mục tiêu chương trình mới là tăng tính trải nghiệm, học qua thực tế, tăng thực hành, thí nghiệm… nhưng đến giai đoạn hiện nay ở nhiều địa phương vẫn chưa có đồ dùng dạy học ở các môn học.
Chẳng hạn, quá trình dạy học phải đi từ thực nghiệm mới rút được kết luận như khoa học tự nhiên ở THCS, vật lý, hóa học, sinh học ở lớp 10 THPT, nhưng nhiều trường đến thời điểm này vẫn phải dạy chay.
Các môn học xã hội cần nhiều tranh ảnh, minh họa, nhưng đến giai đoạn này chưa được cấp phát đồ dùng dạy học. Một số giáo viên khi được hỏi cho rằng, khó có thể đòi hỏi chất lượng dạy học theo chương trình mới được tăng lên nếu không có bộ đồ dùng dạy học.
Một giáo viên THCS trên địa bàn Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, chương trình mới đa số dạy học theo nhóm, mỗi lớp chia làm 6 nhóm, như vậy việc trang bị đồ dùng mỗi trường phải có ít nhất 12 bộ (2 lớp dạy song song).
Khó có thể đòi hỏi chất lượng dạy học theo chương trình mới được tăng lên nếu không có bộ đồ dùng dạy học. Nếu mua toàn bộ đồ dùng cho tất cả các trường thì kinh phí sẽ rất lớn, nếu mua không đủ thì chắp vá, khó dạy.
Nếu mua toàn bộ đồ dùng cho tất cả các trường thì kinh phí sẽ rất lớn, nếu mua không đủ thì chắp vá, khó dạy. Kinh phí thì ngành giáo dục không thể tự quyết định, phải kiến nghị ngành tài chính, không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có tình trạng dạy theo các bộ sách giáo khoa khác nhau, mỗi bộ sách lại có cách thiết kế không giống nhau nên cùng một địa phương lại phải có các bộ đồ dùng khác nhau.
Chưa kể, theo tìm hiểu của phóng viên, đồ dùng dạy học được sản xuất từ các công ty sách, thiết bị trường học rất nhỏ lẻ, không đáp ứng nhu cầu của các trường trong việc thực hiện chương trình mới. Các sở giáo dục và đào tạo hiện nay vẫn phải chờ chỉ đạo của cấp trên vì ngân sách khó đáp ứng việc mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học cho chương trình mới.
Khó cả đội ngũ giáo viên
Bên cạnh bất cập về đồ dùng học tập là khó khăn về đội ngũ giáo viên. Tại Hà Nội, hiệu trưởng một số trường THCS chia sẻ thực trạng, giáo viên sinh học phải dạy hóa và ngược lại, giáo viên hóa học kiêm sinh học, vật lý, do đó thầy cô không có kiến thức sâu để dạy học sinh. Một số giáo viên còn mất tự tin, sợ học sinh hỏi khó không thể trả lời.
Còn tại Hưng Yên, cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, các môn tích hợp là môn học mới nên giáo viên đứng lớp vẫn bỡ ngỡ, phải vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, vẫn còn giáo viên thiếu trình độ chuyên môn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thực tế tại hầu hết các trường vẫn chưa bố trí được 1 giáo viên đảm nhiệm hoàn toàn môn khoa học tự nhiên. Hiện việc phân công 2 hay 3 người dạy chung 1 môn vẫn phổ biến.
Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, trong đó có dạy học tích hợp. Điều bất cập, khó khăn là đội ngũ giáo viên hiện nay được đào tạo dạy đơn môn, rất khó để đứng lớp dạy kiến thức 2, 3 môn liên tiếp với kiến thức tích hợp chuyên sâu. Để tránh cảnh giáo viên phải vừa dạy vừa "mò", thời gian gần đây, các địa phương tăng tốc tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp, nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn.
Kết thúc năm học 2021 - 2022, cả nước mới có khoảng vài trăm cử nhân sư phạm dạy môn tích hợp ra trường. Con số này là quá nhỏ so với nhu cầu của hàng ngàn trường THCS. Hiện các địa phương đang có những giải pháp hỗ trợ nhà trường khắc phục khó khăn này. Trong khi chờ đội ngũ giáo viên mới được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, hầu hết các địa phương đều chọn giải pháp đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là việc khó khăn và môn học tích hợp như khoa học tự nhiên là một trong những điểm khác biệt rõ ràng của chương trình hiện hành, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực hơn.
Theo ông Độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn giáo viên các môn vật lý, hóa học, sinh học trước đây dạy theo chủ đề và tiến độ của chương trình, trường hợp đặc biệt thì có thể bố trí dạy song song. Ngoài ra, phải tăng cường tập huấn, bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn cho các giáo viên các môn học mới; đầu tư, chú trọng mua sắm thiết bị.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét