Thái Bình: Công bố Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia và khai mạc Lễ hội chùa Keo
Ngày 5/10/2022, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo (Thái Bình) đã khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu 2022 và công bố quyết định Hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia.
Lễ khai chỉ tại Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 |
Lễ hội chùa Keo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 10/2017. Với những giá trị văn hóa truyền thống còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, Lễ hội đã tạo sức lôi cuốn với du khách gần xa khi tới chiêm bái, vãn cảnh, thắp hương lễ Thánh.
Lễ hội được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 5/10 – 10/10/2022 (tức từ ngày 10 – 15/9 âm lịch).
Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia. |
Theo truyền thống, cứ 3 năm một lần, dân làng sinh sống quanh khu vực chùa Keo sẽ tổ chức rước kiệu Thánh. Năm nay, đoàn rước có quy mô gần 500 người chia làm 18 đoàn lớn, nhỏ.
Đoàn rước gồm rước kiệu Thánh, kiệu văn, kiệu bát cống, rước long đình, thuyền rồng, tiểu đĩnh (thuyền cò). Các trai làng rước bát bửu, chấp kích; người cao niên rước cầu kiều. Bên cạnh đó, là các đội tế nữ quan và nam quan, đoàn chấp hiệu…
Trải qua những thăng trầm của thời gian, lễ rước kiệu Thánh tại chùa Keo vẫn giữ nguyên tập tục xưa cũ. Đó là, trong 3 ngày hội chính (từ 13/9 âm lịch đến 15/9 âm lịch), buổi sáng rước kiệu Thánh ra Tam quan ngoại và buổi chiều rước kiệu Thánh vào đền Thánh. Mỗi buổi rước lễ thường kéo dài trong gần 3 tiếng với rất nhiều những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh độc đáo, riêng có.
Hương án chùa Keo được Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia |
Ngoài hoạt động rước kiệu Thánh, ở chùa Keo Thái Bình còn có tập tục trang hoàng thánh tượng (12 năm mới có một lần), tượng thánh được tắm bằng nước chế từ nước dừa và hạt bưởi, sau đó tô son lại. Bên cạnh đó, là lễ phục y (mỗi năm một lần trước Lễ hội chùa Keo), thay áo cho tượng. Xiêm áo cũ của tượng làm lộc phát cho dân trong làng.
Tại Lễ khai hội, Ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia.
Hương án chùa Keo có dạng hình hộp chữ nhật được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân, được tạo tác từ chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng. Hiện vật có kích thước lớn: dài 227,0 cm; rộng 156,0 cm; cao 153,0 cm; có hình dáng đặc biệt (chân quỳ dạ cá), được trang trí hoa văn dầy đặc với các họa tiết “ lưỡng long chầu nguyệt”, “long ẩn vân’, “long giáng” cùng 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu...; người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, trổ thủng để tạo khối nổi, khối chìm, tạo ra tầng tầng, lớp lớp hoa văn, sau đó sơn son, thếp vàng để tạo ra một Hương án sang trọng, đặt ở nơi thờ tự tôn nghiêm - đền thờ Thánh chùa Keo Thái Bình.
Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, có kích thước lớn và nặng lên dưới chân Hương án có gắn hệ thống bánh xe để khi cần có thể đẩy để di chuyển. Trải qua hàng trăm năm (từ thế kỷ XVII đến nay) Hương án chùa Keo Thái Bình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét