Nhà đầu tư tin rằng, những doanh nghiệp kỳ lân tiếp theo của thế giới sẽ là những công ty tạo ra thay đổi tích cực cho môi trường bằng sáng tạo, công nghệ xanh và chiến lược bền vững.
Quỹ đầu tư mạo hiểm Earth Venture Capital (EVC) mới ra mắt và huy động thành công quỹ đầu tiên và khởi động giai đoạn đầu tư vào start-up chiến lược trên toàn cầu. EVC tập trung vào các giải pháp kỹ thuật số có tính ứng dụng cao và khả năng mở rộng nhanh, nhằm giải quyết các thử thách liên quan đến biến đổi khí hậu như giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tăng diện tích xanh.
Thay vì các chỉ số tài chính truyền thống, các nhà đầu tư ngày càng chuộng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đã có trách nhiệm hơn rất nhiều so với trước đây. Những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, năng lượng sạch sẽ có thêm sự hưởng ứng và nâng được thị phần, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh hiện tại, giá trị tài sản vô hình và thương hiệu của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong định giá doanh nghiệp.
Theo đại diện quỹ đầu tư, một doanh nghiệp bền vững có thể được xác định dựa trên tầm nhìn và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp qua những mục tiêu phát triển bền vững. Dựa trên đánh giá các rủi ro về môi trường, xã hội, doanh nghiệp có thể đối mặt và có khả năng phòng tránh, hạn chế rủi ro đó.
Tuy nhiên, những tiêu chuẩn đánh giá trong mảng này còn rất mới, vì vậy các quỹ muốn rót vốn phải làm việc với từng start-up để đưa ra những tiêu chí theo lĩnh vực, dựa theo hướng dẫn từ những tổ chức quốc tế như Global Impact Investing Network hay UNDP.
Hiện doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn, nếu không thay đổi và thích nghi thì sớm muộn sẽ bị đào thải. Các nhà đầu tư tin rằng, những doanh nghiệp kỳ lân tiếp theo của thế giới sẽ là những công ty tạo ra thay đổi tích cực cho môi trường bằng sáng tạo, công nghệ xanh và chiến lược bền vững.
Đại diện Quỹ EVC cho rằng, nhiều người nghĩ là chỉ có những giải pháp và công nghệ tối tân mới có thể giải quyết bài toán biến đổi khí hậu. Nhưng có một cách tiếp cận khác để nhanh chóng đạt đến trung hoà carbon, đó là đẩy nhanh ứng dụng những công nghệ đã có, với những sáng tạo về cách vận hành, mô hình kinh doanh, áp dụng khoa học dữ liệu.
Vì vậy, EVC tìm kiếm và đầu tư vào những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet of things (IoT) và robot để giảm phát thải carbon, đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo. Chủ đề đầu tư trải trên nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau như logistics và chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thực phẩm xanh, quản lý và bảo tồn rừng, năng lượng tái tạo, công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, phương tiện sử dụng điện, fintech trong biến đổi khí hậu.
Dù các chỉ số để đo lường vẫn rất quan trọng, nhưng trong quá trình gọi vốn, start-up thường chỉ tập trung vào các chỉ số đôi khi không thực sự tạo ra giá trị bền vững. Start-up cần cân đối các loại chỉ số kinh doanh và tác động bền vững. Đồng thời, ở giai đoạn sơ khởi, các yếu tố liên quan đến con người, sự đam mê và độ am hiểu thị trường cũng quan trọng ngang các chỉ số định lượng.
Ngoài ra, start-up thường muốn làm quá nhiều thứ cùng một lúc. Trong quá trình gọi vốn, start-up cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động bên ngoài, hơn là tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ và giá trị cốt lõi. Điều đó khiến họ không thể tập trung mọi nguồn lực để theo đuổi công việc trong từng thời điểm cụ thể.
Không chỉ vậy, những người sáng lập thường quá lạc quan về khả năng của công nghệ, nhưng công nghệ cũng có giới hạn của nó. Họ cần các cộng sự am hiểu về công nghệ để làm việc chung và hỗ trợ nhìn nhận vấn đề một cách thực tế hơn.
Trên thực tế, nhiều start-up chưa thực sự hiểu rõ về các quỹ mình định kêu gọi đầu tư, dẫn đến dàn trải trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Cuối cùng, để có thể thu hút vốn đầu tư, đồng thời giải quyết được bài toán kinh tế và phát triển bền vững, các mô hình khởi nghiệp bền vững phải được áp dụng ở quy mô và thị trường rất lớn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét