Nỗi lo thiếu trường, lớp, quá tải sĩ số đang gây áp lực không hề nhỏ đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Tuyển sinh dựa vào may rủi
Hẳn dư luận chưa quên câu chuyện phụ huynh xô đổ cổng trường, hay xếp hàng xin học cho con từ đêm từng khiến dư luận dậy sóng. Hay hiện tại, để giành được một suất học cho con, các phụ huynh phải “chạy” hoặc dựa vào may rủi.
Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội trước thực tế quá tải học sinh đã phải dùng tới phương thức bốc thăm trong tuyển sinh. Việc này không chỉ vi phạm quyền đi học của trẻ, mà còn báo động tình trạng quá tải học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập ở Thủ đô.
Theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, một lớp không quá 45 học sinh. Nhưng thực tế, nhiều trường tiểu học ở các quận tại Hà Nội như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy... luôn xảy ra tình trạng sĩ số hơn 50 học sinh/lớp. Thậm chí có nơi trên 60 em/lớp.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục công lập thừa nhận, tình trạng học sinh quá tải xảy ra nhiều năm qua mà chưa có giải pháp khắc phục. Tại quận Hà Đông, số học sinh tăng bình quân 6.000 - 7.000 em/năm. Sự gia tăng nhanh chóng này đã kéo theo sĩ số học sinh một lớp học trên địa bàn khá cao.
Nói về việc quá tải trường lớp, đại diện Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) cho biết, chỉ riêng năm học 2022-2023, quận có thêm 5.430 học sinh, tương đương 100 phòng học. Do dân số tăng quá nhanh, nên việc xây trường mới không đủ đáp ứng. Đồng thời, toàn quận cũng thiếu khoảng 470 giáo viên.
“Nhiều trường trong quận đang phải tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng làm phòng học. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, chất lượng dạy và học, mà còn gây bất tiện cho việc phụ huynh đưa đón con”, vị đại diện này cho hay.
Nguyên nhân của tình trạng quá tải, theo lý giải, là do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng trên địa bàn. Đồng thời, qua 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhóm lớp mầm non ngoài công lập phá sản, phải đóng cửa, gây sức ép tuyển sinh lên các trường mầm non công lập trên địa bàn.
Nếu những năm trước, quận Hoàng Mai có 416 nhóm lớp ngoài công lập, thì năm nay chỉ còn 354 nhóm lớp, đóng cửa gần 70 nhóm lớp. Một số nhóm lớp còn duy trì lại thiếu giáo viên nghiêm trọng, một phần vì nhà trường không đủ tiền thuê, một phần giáo viên mầm non cũng nghỉ việc vì lương quá thấp.
Băn khoăn chất lượng đào tạo khi lớp học quá tải, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) bày tỏ, lớp học đông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn vì đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, trong đó chú trọng các hoạt động lớp học để học sinh tiếp nhận kiến thức, hình thành, phát triển kỹ năng. Trong hoạt động dạy học, lớp học đông là một bất lợi, làm giảm chất lượng giáo dục.
Giải pháp nào?
Để giải quyết vấn đề quá tải học sinh, theo một số chuyên gia, các địa phương phải khai thác đất đã quy hoạch, có kế hoạch dài hạn, dành quỹ đất cho trường học trong những năm tiếp theo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trường học.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh, thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia.
Theo ông Cương, cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học - cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội ô.
"Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao", lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.
Là thành phố chịu quá tải trầm trọng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng, cần tính đến cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, ở các địa phương có số học sinh tăng cao, các quận huyện thường điều tiết số học sinh ở phường, xã quá tải sang các phường, xã lân cận để giảm bớt áp lực. Trong trường hợp này, các phòng giáo dục và đào tạo sẽ tính toán để phân tuyến, bảo đảm cho học sinh được đi học trong cự ly gần nhất có thể.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, những giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời, còn lâu dài phải tính đến giải pháp tổng thể trong công tác quy hoạch đất đai, xây dựng, mà việc này thì ngành giáo dục không thể thực hiện một mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét