Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Oằn lưng trong “cơn bão” giá - Bài 7: Những kế sách từ thực tiễn

Oằn lưng trong “cơn bão” giá - Bài 7: Những kế sách từ thực tiễn

Xăng dầu đã giảm, nhưng giá các mặt hàng khác vẫn cao ngất ngưởng. Làm thế nào để ổn định giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng? Không chỉ người trong cuộc, mà các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã gửi tới Báo Đầu tư nhiều kế sách.

Sau trận cuồng phong Covid-19, người dân, doanh nghiệp lại hứng tiếp cơn bão giá. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, căng thẳng địa chính trị, giá xăng dầu tăng vùn vụt, lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nền kinh tế lớn… đã kéo các loại hàng hóa leo thang. Cơn bão giá đánh trực tiếp vào bữa cơm của từng gia đình, vào sự sống còn của từng doanh nghiệp.

Bài 7:  Những kế sách từ thực tiễn

Ông Lê Quyết Tiến.

Điều chỉnh hợp đồng theo biến động giá

- Ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT)

Các gói thầu thi công xây dựng công trình giao thông, trong đó có Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh (theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh; sử dụng chỉ số giá do địa phương công bố). Trong đó có công thức điều chỉnh giá hợp đồng được các bên thỏa thuận, áp dụng theo đúng quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Thời gian vừa qua, giá xăng dầu và hàng loạt vật liệu xây dựng đầu vào phục vụ thi công các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tăng từ 30% đến 70% so với giá dự toán và giá bỏ thầu.

Do giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, dẫn tới việc bù trượt giá theo công thức đã được quy định trong hợp đồng với chỉ số trượt giá chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn và nằm ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, khiến việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường (đã được quy định trong hợp đồng) chưa bù đắp được, dẫn đến thiếu hụt tài chính cho nhà thầu.

Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quản lý, bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia; có giải pháp căn cơ giải quyết biến động giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng nói chung và các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông nói riêng.

Bộ GTVT cũng đã làm việc và kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các địa phương sớm tìm ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, trong đó kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai; đôn đốc các địa phương công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng sát với biến động của thị trường.

Ông Lê Viết Hải.

Bù giá với dự án đầu tư công         

- Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Với các dự án đầu tư công, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bù giá phù hợp với tình hình trượt giá hiện nay. Với hợp đồng ký mới cần bổ sung điều kiện về trượt giá.

Trước đây, khi thị trường giá cả ổn định thì rất hiếm chủ đầu tư nào chấp nhận điều khoản trượt giá, nhưng trong bối cảnh khó khăn, giá cả tăng mạnh như hiện nay thì nhiều chủ đầu tư xem nhà thầu là đối tác chiến lược, sẽ phải có những giải pháp hỗ trợ để chia sẻ khó khăn.

PGS-TS. Ngô Trí Long.

Bám sát thực tế, tăng tính chủ động ở mọi cấp ngành   

- PGS-TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 5 tháng còn lại của năm 2022, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 8/1/2022), đồng thời phải bám sát vào diễn biến của tình hình thực tế.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã từng thực hiện thành công trong việc kiểm soát lạm phát 7 tháng đầu năm nay, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tính toán, dự báo những yếu tố tác động đến lạm phát, đồng thời, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả. Theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp nhóm hàng hóa nào đó trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

Ở địa phương, UBND các cấp phải thực hiện quản lý nhà nước về giá theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

 Ông Lê Duy Hiệp.

Tìm giải pháp bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế      

- Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA)

Trước mắt, VLA đề xuất bộ, ngành có kế hoạch điều chỉnh mức độ quản lý nhà nước với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế. Về dài hạn, VLA đề xuất Chính phủ tạo điều kiện và chính sách phát triển đội tàu container do VLA đề xuất, nhằm tận dụng lợi thế và tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện và chính sách phát triển vận tải hàng hóa bằng đường hàng không để tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản có thể tiếp cận thị trường toàn cầu.

Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cử chuyên gia tư vấn độc lập cho Dự án E-DO (lệnh giao hàng điện tử thay cho giấy giao hàng hiện nay) đối với hàng hóa nhập khẩu container chung chủ. Nếu dự án này thành công, mỗi năm tiết kiệm cho các nhà nhập khẩu và logistics hàng ngàn tỷ đồng, góp phần giảm chi phí logistics một cách đáng kể.

Bà Lý Kim Chi.

Ngân hàng đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%      

 - Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM

Lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, nếu giá tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua và tác động tới lạm phát. Trong khi đó, ở góc độ sản xuất, các doanh nghiệp đang khát vốn. Nếu như trước đây chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, thì nay chi phí tăng, đẩy tiền dự trữ thêm 50%, như vậy cần 150 tỷ đồng. Vậy tiền ở đâu ra để doanh nghiệp có thể huy động vốn?

Các doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng nghiên cứu đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng để doanh nghiệp sớm tiếp cận được, có vốn cho sản xuất, kinh doanh và phục hồi.

Ông Trần Hoàng Ngân.

Quyết liệt kiểm soát giá theo luật

- Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Luật Giá năm 2013 đã quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong quản lý, điều tiết giá, trong đó có nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát giá với các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, vật tư, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất…

Do vậy, trước tiên, cơ quan nhà nước cần yêu cầu nhà cung cấp nguyên liệu, hàng hóa phải thực hiện thẩm định giá theo đúng quy định, niêm yết giá công khai, minh bạch. Phải có sự kiểm soát về giá vì khi kiểm soát giá tốt, thị trường sẽ tự điều chỉnh về mức hợp lý.

TS. Lê Đăng Doanh.

Cân đối cung - cầu để giảm giá     

- TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Với những trường hợp cố tình không giảm giá, khi giá xăng đã giảm nhiều lần thì Nhà nước có thể dùng các biện pháp cân đối cung - cầu để giảm giá trên thị trường. Ví dụ, khi các mặt hàng trong siêu thị giảm giá, người dân sẽ chọn mua ở siêu thị nhiều hơn, buộc các cửa hàng bên ngoài cũng phải giảm giá nếu không sẽ không có người mua. Giải pháp này sẽ hiệu quả hơn, thay vì Nhà nước can thiệp bằng giải pháp hành chính khi giá cả không hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, để giảm giá cả hàng hóa, các bộ, ngành, địa phương cần đối thoại với doanh nghiệp để xem xét cắt giảm các chi phí không cần thiết, từ đó doanh nghiệp mới có cơ sở để giảm giá hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kiềm chế lạm phát.

Không chỉ ngay lập tức có Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, mà tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng mổ xẻ “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” để có giải pháp trong chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét