Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Rét đậm rét hại xuống tới mức âm độ, người dân cần đề phòng gì?

Rét đậm rét hại xuống tới mức âm độ, người dân cần đề phòng gì?

Theo chuyên gia khí tượng, trong đợt rét này, một số nơi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc có thể xuống nhiệt độ âm, khả năng cao xảy ra băng giá; người dân cần chú ý tới sức khỏe.

.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về diễn biến của đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa Đông năm nay, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết đợt rét này có thể sẽ xuống mức dưới 0 độ C, có khả năng xuất hiện nhiều băng giá.

Đáng chú ý, do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm - nhiệt độ ban đêm giảm rất sâu nên có thể xảy ra hiện tượng sốc nhiệt.

Rét đậm đặc biệt mạnh, có nơi dưới 0 độ C

- Xin ông cho biết đợt rét đậm rét hại thứ hai kể từ đầu mùa Đông năm 2020 đang đang diễn biến thế nào?

Ông Trần Quang Năng: Đầu tiên, thay mặt cho Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - chúng tôi muốn nhấn mạnh đây là đợt gió mùa Đông Bắc đặc biệt mạnh với cường độ có thể so sánh tương đương với năm 2016.

Điều đáng chú ý nhất hiện nay là bộ phận không khí lạnh này đang áp sát biên giới nước ta và sẽ tác động đến các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trong đó Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng là những nơi chịu tác động đầu tiên.

Tối và đêm nay (29/12), không khí lạnh bắt đầu tác động đến các tỉnh Bắc Bộ. Ngày mai (30/12), đợt không khí lạnh này sẽ ảnh hướng đến Trung Bộ và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong một vài ngày tới.

[Việt Nam tái lập đợt rét kỷ lục: Nhiệt độ thấp nhất ở mức dưới 0 độ C]

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, từ nay đến ngày 2/1/2021 sẽ xảy ra đợt rét đậm, rét hại thứ 2 trong năm với mức nhiệt xuống rất thấp: Ở đồng bằng là 6-9 độ C, vùng núi 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi xuống dưới 0 độ C. Khi nhiệt độ âm có khả năng xảy ra băng giá, sương muối ở nhiều nơi thuộc các tỉnh vùng núi phía Bắc.

- So với đợt rét đậm rét hại xảy ra hồi tháng Giêng năm 2016, theo ông đợt rét đậm này liệu có vượt kỷ lục và có xuất hiện tuyết?

Ông Trần Quang Năng: Theo đánh giá của chúng tôi, đợt rét năm 2016 và năm nay có sự tương đồng về cường độ không khí lạnh, tuy nhiên tác động gây ra rét đậm, rét hại với nhiệt độ rất thấp lại khác nhau.

Đợt rét đầu năm 2016 có gió Tây phát triển trên độ cao 5.000m hoạt động rất mạnh làm cho thời tiết rất ẩm, mưa nhiều; do đó xảy ra tuyết ở nhiều nơi. Còn đợt rét này có xu hướng là rét khô, nhiệt độ ban đêm có thể xuống thấp tương đương với gần năm 2016, tuy nhiên ban ngày lại có thể có nắng, nhiệt độ cao, có thể lên đến trên 10 độ C, 15-16 độ C.

Do đó, sự khác biệt giữa các đợt rét nêu trên tương đối rõ: Một đợt là rét khô một đằng là rét ẩm. Trong đợt rét khô này, chúng tôi đánh giá nguy cơ băng giá là nhiều hơn, còn viễ xuất hiện tuyết thì khả năng là thấp.

Chú ý khi đốt củi sưởi ấm

- Trước diễn biến thời tiết nêu trên, ông có khuyến cáo gì với người dân?

Ông Trần Quang Năng: Đối với những đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ giảm rất sâu như thế này, chúng ta có nhiều điều cần lưu ý.

Trước tiên là về sức khỏe của người dân. Do sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm - nhiệt độ ban đêm giảm rất sâu nên có thể xảy ra hiện tượng sốc nhiệt, đặc biệt nguy hiểm đối với người già có tiền sử các bệnh mãn tính hoặc trẻ em. Do đó, chúng ta cần đặc biệt có những biện pháp giữ ấm.

Thứ hai là vấn đề liên quan đến sinh hoạt của người dân. Từ trước tới nay, người dân ở các vùng núi cao thường đốt than củi để sưởi ấm và có thể dẫn tới ngộ độc khí nếu cửa đóng kín.

Do đó, ngoài việc người dân cần nâng cao kiến thức, các cấp chính quyền địa phương cần tuyên truyền đến người dân lưu ý an toàn.

Ret dam ret hai xuong toi muc am do, nguoi dan can de phong gi? hinh anh 1Ông Trần Quang Năng. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Thứ ba, đối với hoạt động sản suất chăn nuôi: Trong với các đợt rét đậm, rét hại cần phải giữ ấm cho các đàn gia súc, gia cầm để tránh thiệt hại. Về gieo trồng nông nghiệp cũng có thể ảnh hưởng với nhiệt độ giảm sâu, do đó người dân cần có biện pháp canh tác thích hợp để đảm bảo được kế hoạch sản xuất.

Sẽ còn các đợt rét đậm tiếp theo

- Ngoài đợt rét đậm rét hại này, trong những tháng còn lại của mùa Đông năm nay, liệu còn bao nhiêu đợt rét đậm có thể xảy ra, thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã nhận định sớm và cũng xác định là mùa Đông năm nay sẽ đến sớm và sẽ lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện nay, thời tiết đang xảy ra đúng như vậy.

Trong tháng 1/2021, chúng tôi đánh giá là cao điểm chính đông của miền Bắc. Những dự báo nhiệt độ trung bình trong tháng Một cũng thấp hơn so với hàng năm khoảng 0,5-1 độ C.

Trong tháng Một sẽ còn có một số đợt không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta, gây rét đậm rét hại trên diện rộng.

Do đó, người dân cần có những biện pháp chủ động trong việc giữ gìn sức khỏe cũng như đảm bảo kế hoạch sản xuất chăn nuôi để đối phó được với đợt rét đậm rét hại sắp tới một cách hiệu quả nhất.

- Ông có thể chia sẻ mốc thời gian rét đậm, rét hại cụ thể trong tháng Một tới...?

Ông Trần Quang Năng: Để có thông tin chi tiết cụ thể thì chúng ta phải đợi đến dự báo thời tiết 10 ngày. Khi đó, chúng tôi sẽ thông báo chính thức.

Có một khuyến cáo nữa đó là ngoài không khí lạnh có rất nhiều tác động trên đất liền, hệ thống không khí lạnh xâm nhập xuống cũng sẽ gây ra hiện tượng gió rất mạnh trên các vùng biển.

Ví dụ như đợt không khí lạnh sắp tới, ngoài khơi có thể sẽ có gió cấp 8, cấp 9, còn ven bờ có gió cấp 7 đến cấp 8, giật trên cấp 10. Cấp gió này rất nguy hiểm cho tàu thuyền cũng như các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ. Do đó người dân vùng biển cũng cần đặc biệt chú ý./.

- Xin cảm ơn ông!

Hùng Võ (Vietnam+)

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét