Kiên Giang: Đại hội đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển mạnh mẽ
Từ ngày 15 đến 17/10/2020 sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (2020 - 2025).
Từ ngày 15 đến 17/10/2020 sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (2020 - 2025), với phương châm "đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển" và phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển khá của cả nước. Để đạt kỳ vọng này, ông Đỗ Thanh Bình, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ phát huy tối đa ưu thế vượt trội và tạo ra các khâu đột phá chiến lược có sức lan tỏa để phát triển mạnh mẽ.
Lễ khánh thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kiên Giang. |
Thưa ông, đâu là ưu thế vượt trội để kinh tế Kiên Giang tăng trưởng bền vững cũng như sớm đạt quy mô kinh tế khá trong cả nước?
Trước hết, Kiên Giang đã phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Công tác quy hoạch, phát triển đô thị ven biển, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được quan tâm; các ngành nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng về sản lượng và giá trị. Nhiều dự án về giao thông (đường bộ, cảng biển, sân bay...), thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế và du lịch vùng ven biển, hải đảo được đầu tư; một số dự án du lịch quy mô lớn hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác… Qua đó, du lịch biển có bước phát triển khá mạnh, tổng lượng khách du lịch đạt trên 28,2 triệu lượt khách; doanh thu đạt hơn 22.918 tỷ đồng. Đời sống của nhân dân ven biển và trên các đảo từng bước được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững.
Ông Đỗ Thanh Bình, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. |
Các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng kinh tế trong tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng cường sự liên kết, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Các vùng kinh tế của tỉnh phát triển đúng hướng. Theo đó, vùng Tứ giác Long Xuyên đang phát triển khá tốt về du lịch, dịch vụ, cảng biển, sản xuất và chế biến nông - thủy sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng Tây sông Hậu tập trung phát triển về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, cơ khí và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Vùng U Minh Thượng phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản; các mô hình du lịch sinh thái, về nguồn được quan tâm đầu tư.
Vùng biển - đảo phát triển mạnh và đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch chất lượng cao, khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng kinh tế trọng điểm (Cần Thơ, Cà Mau, An Giang) theo các chủ trương của Chính phủ; phát huy tốt vai trò động lực của TP. Rạch Giá, Phú Quốc.
Theo ông, khó khăn cơ bản và mục tiêu của tỉnh trong nhiệm kỳ tới là gì?
Kết quả thực hiện một số khâu đột phá và chương trình, dự án trọng điểm cũng còn hạn chế. Công tác phát triển nguồn nhân lực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, thu hút nguồn lực còn khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; chỉ tiêu đào tạo sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) đạt thấp; đào tạo nghề chưa gắn kết tốt với nhu cầu sử dụng lao động. Nhân lực sau khi đào tạo chưa phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chỉ số cải cách hành chính tăng chậm; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa được cải thiện tốt.
Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất, cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch... chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lưu thông hàng hóa, kết nối với Quốc lộ 1A và liên kết vùng. Là tỉnh có vùng biển rộng lớn, nhưng Kiên Giang chưa có cảng biển nước sâu, nên khó thu hút đầu tư...
Mặc dù huyện đảo Phú Quốc phát triển nhanh, nhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, một số dự án triển khai thực hiện chậm. Nguồn vốn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu phục vụ yêu cầu phát triển của huyện từ ngân sách còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, quản lý rừng, quản lý xây dựng còn nhiều hạn chế, bất cập. Phát triển dịch vụ du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Một số vụ khiếu kiện còn kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Nguồn nhân lực phát triển chậm, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp...
Để khắc phục những khó khăn trên, mục tiêu tổng quát 5 năm tới (2020 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2030, là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, nhất là kinh tế biển, du lịch và công nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, vùng trời. Duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu như kỳ vọng, trong nhiệm kỳ tới, Kiên Giang thực hiện các khâu đột phá và định hướng như thế nào, thưa ông?
Để đạt mục tiêu trên cần thực hiện 3 khâu đột phá.
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính;
Thứ hai, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
Thứ ba, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.
Có thể nói, những thành tựu của nhiệm kỳ 2016 - 2020 và cả chặng đường 10 năm qua là nguồn vốn quý mà đội ngũ kế nhiệm sẽ phải có trách nhiệm kế thừa, phát huy để sớm đưa Kiên Giang có nền kinh tế khá trong cả nước. Theo đó, Kiên Giang phải là trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực biển Tây và vùng Tứ giác Long Xuyên.
Vì vậy, công tác phát triển nguồn nhân lực luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trình độ dân trí từng bước được nâng cao, số người có trình độ từ đại học trở lên ngày càng nhiều, nguồn nhân lực xã hội được quan tâm, nâng lên tỷ lệ lao động qua đào tạo và có việc làm đạt trên 87%.
Tỉnh sẽ ban hành nhiều chính sách thu hút lao động chất lượng cao, có trình độ đại học, sau đại học, chuyên môn sâu ở các lĩnh vực quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời, hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được đổi mới, tổ chức bộ máy được kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian; từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. Các cơ chế, chính sách thu hút giảng viên, học sinh, sinh viên và xây dựng Trường đại học Kiên Giang từng bước trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực.
Tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, tranh thủ hỗ trợ của Trung ương và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống giao thông của tỉnh. Nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối với các địa phương trong tỉnh được đầu tư xây dựng. Đến nay, hạ tầng giao thông có bước phát triển khá, từng bước kết nối với hệ thống giao thông quốc gia.
Về đường bộ, đã mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 61; duy tu bảo dưỡng Quốc lộ 80, Quốc lộ 63; xây dựng đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và nhiều tuyến đường tỉnh. Riêng nhiệm kỳ qua, hệ thống đường huyện, thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng đạt 69,26% kế hoạch; 100% xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm; 80,4% đường liên xã và 84,38% đường ấp, liên ấp được bê tông hóa hoặc nhựa hóa. Cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển.
Tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển Phú Quốc thành thành phố biển đảo và là trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới. Hiện đã điều chỉnh bổ sung quy hoạch Phú Quốc, theo đó tăng cường quản lý quy hoạch sử dụng đất, xử lý tình trạng mua bán đất trái pháp luật, thu hồi dự án treo. Phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và môi trường đầu tư thông thoáng. Đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn có năng lực đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc, nhất là về phát triển du lịch dịch vụ. Nhiều dự án du lịch quy mô lớn và dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, đường, cảng, điện lưới quốc gia... tiếp tục được đầu tư và sớm đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Hiện nay, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II và chuẩn bị thành lập thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh. Phú Quốc đang phát triển rất nhanh theo quy hoạch, riêng giai đoạn 2015 - 2019, Phú Quốc đóng góp cho ngân sách tỉnh 17.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% số thu ngân sách tỉnh. Phú Quốc đã thực sự trở thành động lực góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Kiên Giang trong hiện tại cũng như sắp tới và lâu dài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét