Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng của tương lai

Bất chấp khó khăn do Covid-19, nông nghiệp là ngành tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm đến nay, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, mục tiêu trở thành một cường quốc nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn cả chặng đường dài. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này.

.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp.

Nông nghiệp từng được coi là trụ đỡ của nền kinh tế trong mỗi cuộc khủng hoảng. Với khó khăn do Covid-19 hiện nay, nông nghiệp có còn thực hiện được sứ mệnh này, thưa ông?

Khó khăn do Covid-19 hiện nay một lần nữa chứng minh vai trò quan trọng của nông nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm, với mức tăng 2,93%, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn cả công nghiệp, dịch vụ. Xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản giảm nhẹ so với năm ngoái, nhưng vẫn đạt trên 40 tỷ USD. Trong khủng hoảng, giá nhiều mặt hàng nông sản chính vẫn giữ được mức cao, nhiều mặt hàng được mùa, được giá. Đây là thành công mà không ngành nào có được.

Như vậy, nông nghiệp vẫn chứng tỏ là trụ đỡ rất vững cho nền kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn. Nông nghiệp đã bảo vệ không chỉ cho từng hộ gia đình nông thôn, mà cho cả nền kinh tế.

Đứng vững qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng nông nghiệp vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư, trong khi Việt Nam có lợi thế rất lớn về nông nghiệp. Phải chăng, nông nghiệp quá khó để làm giàu?

Đầu tư vào nông nghiệp đã khởi sắc trong vài năm gần đây, với sự xuất hiện của một số “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn. Dù chưa hình thành một làn sóng mạnh mẽ, bởi lực lượng doanh nghiệp chủ đạo của nước ta - doanh nghiệp nhỏ và vừa - vẫn chưa tham gia nhiều vào lĩnh vực này, song đây cũng là dấu hiệu tích cực của việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới do dịch bệnh, không riêng doanh nghiệp Việt Nam, mà giới doanh nhân thế giới đều đang điều chỉnh định hướng đầu tư của mình. Trong tương lai, đầu tư có xu hướng tập trung hơn vào kinh tế thực, kinh tế xanh. Vì thế, nông nghiệp vẫn là định hướng, điểm đến của nhiều nhà đầu tư tương lai. Với chiến lược, quy hoạch, môi trường đầu tư thông thoáng, thì không có lý do gì để không có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia lĩnh vực này.

Trên thế giới, không ít quốc gia giàu lên nhờ nông nghiệp, như Hà Lan (trồng hoa, nuôi bò), Israel (trồng cây ăn trái, rau quả)… Nhiều nước như Australia, Mỹ, Hàn Quốc… cũng không lãng quên thế mạnh về nông nghiệp… khi đầu tư phát triển kinh tế trang trại.

Việt Nam có lợi thế tự nhiên về nông nghiệp, nếu huy động được sức mạnh của đông đảo lực lượng doanh nghiệp, nâng nông hộ nhỏ lên trang trại lớn có liên kết, thì chúng ta sẽ là một cường quốc nông nghiệp.

Để trở thành cường quốc nông nghiệp, nhiều người kỳ vọng vào vai trò đầu tàu của doanh nghiệp. Theo ông, điều này có khả thi?

Nền nông nghiệp Việt Nam phát triển rực rỡ hơn 35 năm qua chủ yếu dựa vào đông đảo hộ gia đình, hộ nông dân nhỏ lẻ và số ít doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là lực lượng giúp nền nông nghiệp nước ta có sức chịu đựng cao, thích nghi tốt trước nhiều biến động. Dẫu vậy, kiểu tổ chức nhỏ, lẻ đó khó nâng tầm năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường quốc tế với yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường. Để ứng dụng khoa học - công nghệ cao, đầu tư sâu vào chế biến, mở cửa thị trường quốc tế, rất cần vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, bài học quốc tế cũng cho thấy, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhưng sản xuất nông nghiệp dựa vào doanh nghiệp không phải là con đường duy nhất.

Thực tế, ở rất nhiều nền kinh tế phát triển thành công ở Đông Bắc Á, Bắc Âu..., chính nông dân liên kết với nhau trong cơ cấu HTX, các hiệp hội và hội nông dân, được Nhà nước trao quyền, mới là người dẫn dắt ngành nông nghiệp. Nông dân thực sự làm chủ các tổ chức của mình, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho tổ chức nông dân và trao cho họ quyền quản lý các khâu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Người nông dân Việt Nam có thể đảm nhận được vai trò như vậy không, thưa ông?

Người nông dân Việt Nam đã đóng vai trò chủ lực trong bảo vệ tổ quốc, tiên phong trong đổi mới kinh tế, là trụ đỡ trong quá trình công nghiệp hóa, nên sẽ hoàn toàn có thể làm chủ vận mệnh của mình, xử lý thành công các vấn đề khó khăn nhất về thị trường, về khoa học - công nghệ, về thiên tai, dịch bệnh, mà hiện nay phải dựa vào sự giúp đỡ của các đối tượng khác.

Điều cốt yếu là chúng ta có thực sự đặt người nông dân vào vai trò, vị trí trung tâm như tinh thần Nghị quyết Trung ương số 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay không? Nếu câu trả lời là có, thì người nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nhiệm vụ rất khó khăn đó.

Tuy nhiên, chúng ta cần hành động nhanh. Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số rất nhanh. “Cửa sổ vàng” về tuổi lao động trẻ của nước ta sẽ đóng lại trong 10 - 15 năm nữa. Hơn nữa, cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế, Việt Nam nằm trong số các quốc gia được dự báo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, với 70% lao động có nguy cơ mất việc vì tự động hóa trong vòng 15 năm tới.

Nguồn tài nguyên con người - nhân tố chính tạo nên lợi thế cho nông nghiệp Việt Nam - đang đứng trước những cơ hội cuối cùng. Chuyên nghiệp hóa nông dân, xây dựng thị trường lao động chính thức… là những biện pháp cấp bách cần thực hiện.

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét