Sáng nay, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) tiến hành khai trương giao dịch 308 triệu cổ phiếu Saigonbank, mã chứng khoán SGB. Giá chào sàn 25.800 đồng/cổ phiếu.
Saigonbank hiện có vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng. Việc niêm yết chứng khoán giúp Saigonbank có điều kiện nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tính minh bạch, cũng như củng cố thương hiệu trên thị trường.
Với vị thế là Ngân hàng cổ phần đầu tiên, sau 33 năm hoạt động, Saigonbank đã có nhiều năm tích lũy đầu tư vào các bất động sản tại các vị trí “vàng” trong TP.HCM, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành dùng để làm Hội sở, Chi nhánh, Phòng Giao dịch.
Một trong những bất động sản đó là khách sạn Riverside, với mặt tiền trên đường Tôn Đức Thắng bên bờ sông Sài Gòn, có kiến trúc cổ với diện tích hơn ngàn mét vuông và giá trị tài sản luôn tăng theo thời gian.
Chính vì thế mà rất nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến cổ phiếu của SAIGONBANK và cũng chính vì vậy mà giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu SGB là 25.800 đồng. Tuy nhiên, ngay khi chào sàn 9h sáng 15/10, giá cổ phiếu SGB đã giảm xuống 15.500 đồng/cổ phiếu; giá cao nhất là 25.000 đồng và cổ phiếu SGB đang giao dịch là 18.000 đồng.
Tổng giám đốc Saigonbank ông Trần Thanh Giang nhận quyết định về việc đưa cổ phiếu SGB lên sàn UpCom. Ảnh: Dũng Minh
Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tìa sản của Ngân hàng đạt 17.744 tỷ đồng, tăng 13,25% (2.076 tỷ đồng) so với đầu năm nay. Saigonbank luôn đảm bảo khả năng thanh khoản, các chỉ tiêu an toàn vốn tuân thủ theo quy định.
Saigonbank tiếp tục là một trong những ngân hàng có chất lượng nợ tốt, với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 2,06% tính đến hết tháng 9/2020.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đầu năm nay của Saigonbank là 27,08 tỷ đồng, giảm 50,75 tỷ đồng (27,91 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro giảm là kết quả nỗ lực của Saigonbank trong công tác xử lý các khoản nợ tồn đọng.
Tổng thu từu xử lý nợ 9 tháng của Ngân hàng là 145 tỷ đồng, mang lại thu nhập đã sử dụng dự phòng 9 tháng đầu năm là 69 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ đẩy mạnh tái cấu trúc các hoạt động, kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động và chất lượng nợ, đẩy mạnh nguồn thu từ các sản phẩm dịch vụ sử dụng công nghệ hiện đại... nên kết quả, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 177 tỷ đồng (so với kết quả kinh doanh của cả năm 2019 là 181 tỷ đồng).
Tính đến ngày 29/5/2020, cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 18,18% vốn. Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,64% và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 16,35%, kế đến là Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu 14,08%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ 65,25% vốn của Saigonbank.
Ngân hàng chỉ có 3 cổ đông nước ngoài, trong đó 1 tổ chức nắm giữ 15,2 triệu cổ phiếu (tỷ lên sở hữu 4,94%) và 2 cá nhân sở hữu 164.257 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 0,053%).
Tuy nhiên, Thành ủy TP.HCM cho biết, sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Như vậy, với chủ trương trên, có thể trong thời gian tới, Thành uỷ TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.
Hiện Thành uỷ TP.HCM đang có 2 khoản vốn góp tại 2 ngân hàng là SaigonBank, DongABank. Chỉ có điều, để thoái vốn khỏi các tổ chức này cũng không phải việc đơn giản.
Trước đó, các cổ đông lớn đã thoái vốn khỏi Saigonbank gồm: Vietcombank thoái hết 4,3% vốn khỏi Saigonbank để đáp ứng quy định của Thông tư 36; Vietinbank cũng đã thoái toàn bộ 5,48% cổ phần tại Saigonbank vào giữa tháng 9/2019 đáp ứng quy định của Thông tư 36.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét