Băm nát đất nông nghiệp vùng ven TP.HCM - Bài 3: Đừng để giải pháp hay bị “treo”
Xử lý cán bộ, chuyển công an điều tra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, không cấp nước, cắt điện, rà soát xóa bỏ quy hoạch treo… là những giải pháp “có vẻ” khá quyết liệt của TP.HCM.
Lãnh đạo TP.HCM không ít lần đặt vấn đề quy hoạch các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi trở thành quận, đồng thời định hình TP. Thủ Đức, vì tốc độ đô thị hóa ở những địa bàn này đang rất cao, cùng với dân số tăng nhanh. Nhưng thực tế đã và đang diễn ra ở những nơi này cho thấy, bài toán giải tỏa đền bù, quy hoạch vùng ven là vô cùng hóc búa.
Một khu dân cư lớn xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Ngô Sơn |
Bài 3: Đừng để giải pháp hay bị “treo”
Để dân không vì bức bách chỗ ở dẫn tới băm nát quy hoạch, chính quyền TP.HCM cần quyết liệt hơn trong chấn chỉnh trật tự quản lý xây dựng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ và đặt biệt là phải xóa được tình trạng quy hoạch treo kéo dài nhiều năm.
Xử lý người đứng đầu chưa thực sự thuyết phục
Tại kết luận thanh tra nhiều huyện vùng ven vừa qua, Thanh tra TP.HCM chỉ rất rõ sai phạm và trách nhiệm của từng cá nhân. Điển hình nhất và cũng là nơi có nhiều sai phạm nhất là huyện Bình Chánh, từ kết luận Thanh tra và kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cơ quan chức năng đã kỷ luật khiển trách ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh; phê bình ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Chánh. Các tổ chức đảng thuộc Ðảng bộ huyện Bình Chánh cũng đang tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 7 tổ chức đảng và 55 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm liên quan công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng.
Thế nhưng, ngay sau đó, UBND TP.HCM lại điều động và bổ nhiệm ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM. Được biết, ông Trần Phú Lữ làm Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh từ năm 2017 và những sai phạm động trời ở huyện này được Thanh tra TP.HCM phát hiện là từ giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020.
Tương tự, TP.HCM cũng vừa bổ nhiệm ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức giữ chức Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM. Trước khi được bổ nhiệm, ông Minh đã bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách do có khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế làm việc; công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự...
Trong quản lý, người đứng đầu có vai trò tối quan trọng, có thể giữ cả “đoàn tàu” đi đúng đường hay lệch hướng. Do vậy, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu như trên của TP.HCM đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính nghiêm minh.
Đưa ra nhiều giải pháp
Dẫu việc xử lý người đứng đầu chưa thực sự thuyết phục, nhưng những giải pháp khác nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng được xem là… khá ổn.
Điển hình nhất, vừa qua, TPHCM đã ban hành Kế hoạch 3333/KH-UBND để thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM. Theo đó, yêu cầu Chánh thanh tra Sở Xây dựng thực hiện họp trực tuyến với 24 đội thanh tra quận/huyện để chỉ đạo, xử lý kịp thời các công trình vi phạm; cơ quan chức năng không cấp số nhà, dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng; yêu cầu Công an TP.HCM khẩn trương xác minh xử lý hình sự đối với những trường hợp lợi dụng kẽ hở pháp luật để xây dựng trái phép, tự ý phân lô bán nền…
UBND TP.HCM còn yêu cầu UBND cấp quận/huyện biên soạn tài liệu “Hỏi đáp về xây dựng nhà ở, nhà xưởng” theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Xây dựng để phát tới tận hộ dân nhằm giúp người dân thực hiện đúng pháp luật; chỉ đạo UBND cấp phường/xã giám sát chặt chẽ, áp dụng ngay biện pháp tịch thu phương tiện, vật liệu thi công để ngăn chặn các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã bị xử lý vi phạm, nhưng vẫn tiếp tục thi công…
Trường hợp các đơn vị liên quan chống đối, không chấp hành thì lập thủ tục chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra...
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn. Đề án này tập trung vào một số nội dung như xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng…
Đề án trên nhằm mục tiêu liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của các sở, ngành, quận, huyện; đồng thời công khai thông tin về đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Đội quản lý trật tự xây dựng: Thêm kỳ vọng
Một trong những giải pháp được đánh giá sẽ hiệu quả trong ngăn chặn việc băm nát quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng là thành lập các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận/huyện. Phương án này đã được TP.HCM trình lên Thủ tướng Chính phủ và đang chờ chấp thuận.
Phân tích về sự cần thiết này, theo Sở Nội vụ TP.HCM, lực lượng xử lý sai phạm về trật tự xây dựng lâu nay là thanh tra xây dựng phường xã, quận/huyện thì đã sáp nhập vào đơn vị thanh tra thuộc Sở Xây dựng (từ năm 2013).
Thực tế thời gian qua tại TP.HCM cho thấy, công tác phối hợp giữa các lực lượng thanh tra đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa đổi. Trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa đội thanh tra địa bàn quận/huyện với UBND quận/huyện, phường/xã/thị trấn chưa thống nhất, nên làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Ngoài ra, biên chế thanh tra Sở Xây dựng được bố trí phân tán tại khối cơ quan Sở Xây dựng và 24 đội thanh tra địa bàn quận/huyện khác nhau, dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư và việc quản lý, giáo dục công chức, thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời. Các trường hợp thanh tra xây dựng vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn nhiều. Trong 6 năm (2013 - 2019), có 409 trường hợp thanh tra xây dựng vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan bị phê bình, kiểm điểm, kỷ luật. Trong đó, 14 công chức bị buộc thôi việc, các mức còn lại là cảnh cáo, khiển trách, phê bình…
Theo Sở Nội vụ, từ các quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý cho thấy, chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, nên cần có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác này. Do đó, việc thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận/huyện là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Xóa quy hoạch treo: Phải quyết liệt hơn
Tình trạng xây dựng không phép, xây nhà trên đất nông nghiệp còn xuất phát từ vấn nạn quy hoạch treo. Trả lời báo chí, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho hay, địa phương này còn tới 140 dự án chậm triển khai. Đã có đồ án quy hoạch các khu để phát triển nhà ở, nhưng thiếu nguồn lực đầu tư. Chính các đồ án quy hoạch đô thị đó đã hạn chế quyền của người dân trong việc chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở hợp pháp.
Mặt khác, diện tích đất phân bổ trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện gần như không theo kịp nhu cầu của người dân. Chẳng hạn, ở 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, trong 5 năm qua, diện tích đất giao cho người dân được phép chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở chỉ khoảng 50 ha/xã, trong khi nếu tính theo hạn mức đất ở và số dân hiện tại, thì con số đó phải trên 240 ha/xã.
Liên quan vấn đề trên, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM khẩn trương hướng dẫn UBND các quận, huyện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
Theo đó, đối với những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi thì phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch. Với những khu vực còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị, nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, thì đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quản lý trật tự xây dựng thật chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp xây dựng không phép, sai phép.
Quy hoạch chi tiết cần xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất, công khai lấy ý kiến người dân và hướng dẫn người dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực theo quy hoạch.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng xử lý đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực phù hợp quy hoạch dân cư xây dựng mới, để có hướng tháo gỡ quyền lợi chính đáng của người dân.
Thực tế, TP.HCM cũng đã nỗ lực xử lý vấn nạn quy hoạch treo. Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã đồng ý xóa “treo” 180 dự án chậm triển khai của các quận, huyện từ năm 2015 - 2016. Thế nhưng, hiện trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều dự án dính quy hoạch "treo", có dự án "treo" hơn 20 năm như Bình Quới, Thanh Đa…
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để dân không vì bức bách chỗ ở dẫn tới băm nát quy hoạch, thì chính quyền TP.HCM cần quyết liệt hơn trong xóa quy hoạch treo.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, Sở đang khẩn trương thực hiện việc gắn mã “QR code” vào Giấy phép xây dựng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thông tin giấy phép xây dựng, giúp người dân chủ động cùng chính quyền kiểm soát và thực hiện các quy định về xây dựng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét