Bức ảnh cuối cùng của USS Indianapolis vào năm 1945, chỉ vài ngày trước khi nó bị chìm
Nhiệm vụ đặc biệt
USS Indianapolis là 1 trong 2 tuần dương hạm hạng nặng lớp Portland. Nó được đưa vào vận hành từ năm 1931, tất cả đều rất trơn tru. Con tàu được coi là soái hạm của Hải quân Mỹ và nhiều lần vinh dự chở Tổng thống Franklin Roosevelt đi lại bằng đường biển.
Được thủy thủ đoàn đặt cho cái tên trìu mến “Indy”, chiếc tuần dương hạm đã vượt qua những thách thức của Thế chiến 2, từng nhận 10 huân chương từ đóng góp trong các chiến dịch ở New Guinea và đảo Aleutian cũng như các chiến trường Saipan, biển Philippine và Iwo Jima. “Indy” còn dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Raymond Spruance vào năm 1943 - 1944 khi ông nắm Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ.
Trong sự nghiệp của mình, USS Indianapolis đã bắn hạ ít nhất 9 máy bay địch, nã hàng nghìn viên đạn vào hàng trăm mục tiêu trên bờ và thậm chí từng hứng chịu một cuộc tấn công cảm tử của phi công Nhật Bản ở Okinawa. Kết quả của cuộc tấn công này, con tàu đã quay trở lại Mỹ để sửa chữa. Tháng 11-1944, Thiếu tá Charles B. McVay III (SN 30-7-1898) đã nhận được mệnh lệnh tối mật chỉ huy tàu vận chuyển hàng hóa quan trọng đến đảo Tinian thuộc quần đảo Mariana trên Thái Bình Dương càng nhanh càng tốt.
Vì nhiệm vụ bí mật nên McVay và thủy thủ đoàn không hề biết họ đang vận chuyển gì. “Tôi không thể nói cho các bạn biết nhiệm vụ là gì. Bản thân tôi cũng không biết, nhưng tôi được thông báo rằng mỗi ngày chúng ta ra khơi là một ngày tham gia chiến trận” - McVay nói với thủy thủ đoàn của mình. Họ rời San Francisco vào ngày 16-7, đến Trân Châu Cảng trong quãng thời gian kỷ lục là 74,5 giờ và đến Tinian vào ngày 26-7.
Trên thực tế, họ vận chuyển các bộ phận bên trong của quả bom nguyên tử “Bé con”, được thả xuống thành phố Hiroshima vào tháng 8 năm đó. Tàu Indianapolis đã rời Mỹ chỉ vài giờ sau khi thử nghiệm ở New Mexico đã xong, đảm bảo quả bom hoạt động. “Món hàng” ngay lập tức được đưa lên đảo Tinian và chiến hạm Indianapolis vội vã khởi hành đến đảo Guam, nơi nó tiếp nhận các thành viên thủy thủ đoàn mới. McVay sau đó được lệnh đưa tàu từ Guam đến Philippines để tham gia chiến dịch tấn công Nhật Bản theo kế hoạch.
Khốn khổ như địa ngục
Họ được cam đoan là tuyến đường rất an toàn và không cần phải có tàu hộ tống. Hai ngày sau đó, I-58 - một tàu ngầm loại B3 do thuyền trưởng Mochitsura Hashimoto chỉ huy đã phát hiện ra chiếc Indianapolis. Ngay sau nửa đêm 30-7-1945, USS Indianapolis đã bị trúng 2 quả ngư lôi từ tàu ngầm của Nhật Bản.
Chiếc I-58 đã bắn ra tổng cộng 6 quả ngư lôi và báo cáo về Tokyo rằng họ đã đánh chìm một tàu chiến đối phương. Vụ nổ đầu tiên xảy ra ở mạn phải, gần như xé toạc con tàu. Quả thứ hai đốt cháy một thùng nhiên liệu và gây ra nhiều vụ nổ thứ cấp. Chỉ 12 phút sau khi bị bắn trúng, Indianapolis bị lật úp và chìm cùng với 300 thủy thủ cùng binh sĩ Thủy quân lục chiến trên tàu.
Hầu hết thủy thủ đoàn gồm hơn 800 người đã tìm cách bỏ tàu. Nhiều người buộc phải tự bơi, bám vào các mảnh vỡ hoặc nổi cùng áo phao vì họ không kịp tung ra xuồng cứu sinh để sơ tán. Thật không may, bi kịch chưa dừng ở đó. Hai quả ngư lôi đã làm hỏng hệ thống điện của tàu Indianapolis, vì vậy nó không thể gửi tín hiệu cấp cứu.
Nhiều thủy thủ nhảy xuống nước trong đêm, xung quanh họ là dầu của con tàu tràn ra không kiểm soát. Trong vài giờ đầu tiên, 100 người ban đầu sống sót nhưng cũng không qua khỏi do các vết thương từ những vụ nổ và hỏa hoạn trước khi khi con tàu chìm. Phần còn lại, thủy thủ đoàn phân tán thành 7 nhóm trên một khu vực trải dài 40km. Nhóm lớn nhất có 300 - 400 người. Những người sống sót đã trôi nổi suốt 4-5 ngày trước khi được giải cứu.
Trong thời gian đó, hàng trăm người chết vì đuối nước, mất nước, phơi nhiễm và kiệt sức. “Thật là khốn khổ, nó giống như địa ngục vậy. Bạn không mong mặt trời lặn vì đó là sự kết thúc. Trời sẽ lạnh và toàn thân run rẩy, có khi không thể chờ mặt trời mọc trở lại được nữa” - Paul McGinnis, một thủy thủ chuyên phát tín hiệu trên tàu cho biết.
Tuyệt vọng, một số người uống nước biển để giải cơn khát. “Có người uống nhiều đến mức mê sảng. Trên thực tế, rất nhiều người trong số họ có mang theo dao, có lúc họ nổi điên tới mức lao vào chiến đấu và giết nhau” - Granville Crane, một người sống sót khác nhớ lại. Rồi những con cá mập tìm đến.
“Lúc nào đàn cá mập cũng lởn vởn xung quanh, chúng không chịu bỏ cuộc. Chúng tôi có những kiện hàng gắn xốp để giữ cho nó nổi lên. Khoảng 15 thủy thủ trên đó và đột nhiên 10 con cá mập lao vào tấn công. Cuối cùng là… không còn gì cả. Điều đó cứ lặp lại hết lần này đến lần khác” - Eugene Morgan, một thủy thủ kể về ký ức kinh hoàng. Hơn 3 ngày sau vụ chìm tàu, một phi công khi bay tuần tra mới phát hiện ra những người sống sót. Hải quân Mỹ lúc đó mới nhận ra tàu Indianapolis đã bị đánh chìm. Người cuối cùng sống sót đã được giải cứu vào ngày 8-8.
Chính vì Indianapolis không phát tín hiệu khẩn cấp nên các quan chức cảng ở Leyte tại Philippines cũng không báo cáo lại rằng con tàu đã bỏ lỡ thời điểm đến đích như dự kiến. Tình báo Mỹ cũng nghe lén được thông tin về vụ chìm tàu từ tàu ngầm I-58 nhưng họ cho là bịa đặt nên đã bỏ qua.
Những người sống sót trên soái hạm USS Indianapolis được đưa đến bệnh viện
Minh oan sau 50 năm
Trong số thủy thủ đoàn gần 1.200 người của Indianapolis chỉ có 316 người sống sót khiến nó trở thành vụ đắm tàu tồi tệ nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. Ngay sau đó, Hải quân Mỹ đã lập tức thay đổi nguyên tắc hoạt động để đảm bảo những sự kiện như vậy sẽ không xảy ra lần nữa, đó là hầu hết các tuần dương hạm đi đâu cũng sẽ có khu trục hạm hộ tống. Các quy trình báo cáo về việc tàu đi quá thời hạn được thực hiện nghiêm ngặt và tất cả các tàu đều được lệnh dịch chuyển phải theo đường zic-zắc cho đến hết Thế chiến 2.
Thuyền trưởng McVay sống sót sau vụ chìm tàu, ông liên tục yêu cầu Hải quân giải thích lý do tại sao phải mất tới gần 5 ngày mới giải cứu thủy thủ của mình. Nhưng ông không bao giờ nhận được câu trả lời. Tuy nhiên, ông lại là thuyền trưởng duy nhất bị đưa ra tòa án binh vì để mất một con tàu trong chiến tranh. Những người bênh vực thuyền trưởng cho rằng, việc di chuyển “lạng lách” với tàu Indianapolis là không hiệu quả khi nằm trong tầm bắn của ngư lôi.
Hơn nữa, ngày 24-7-1945, chỉ 6 ngày trước khi Indianapolis bị đánh chìm, tàu khu trục Underhill của Mỹ cũng đã bị tấn công và chìm tại khu vực tàu ngầm Nhật Bản hoạt động. Điều này một phần do vấn đề bí mật tình báo nên McVay và nhiều người không được thông báo. McVay sau đó bị buộc tội là không cho tàu di chuyển kiểu zic-zắc.
Mặc dù không bị kết án nhưng ông cũng không thể quay lại làm thuyền trưởng được nữa. Thảm kịch xảy ra với tàu Indianapolis đã không buông tha cuộc đời ông, thậm chí gia đình của những người đã hy sinh còn viết thư bày tỏ nỗi căm hận với ông. Cuối cùng, McVay tự tử năm 1968, khi người ta tìm thấy thi thể, ông vẫn cầm trên tay một thủy thủ đồ chơi.
Hơn 50 năm sau khi xảy ra thảm kịch, Hunter Scott, một học sinh 12 tuổi ở Pensacola, bang Florida trong quá trình làm một dự án về ngày lịch sử quốc gia ở trường đã phỏng gần 150 người sống sót của tàu Indianapolis và xem xét 800 tài liệu có liên quan. Những người đứng về phía thuyền trưởng McVay đã đệ đơn lên Quốc hội. Kết quả, tháng 10-2000, Tổng thống Bill Clinton ký ban hành luật xóa bỏ mọi sai phạm với chỉ huy của con tàu này. Vào năm 2017, một nhóm nghiên cứu do nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen dẫn đầu đã phát hiện ra xác tàu Indianapolis ở độ sâu 5,5km dưới Thái Bình Dương.
“Lúc nào đàn cá mập cũng lởn vởn xung quanh, chúng không chịu bỏ cuộc. Chúng tôi có những kiện hàng gắn xốp để giữ cho nó nổi lên. Khoảng 15 thủy thủ trên đó và đột nhiên 10 con cá mập lao vào tấn công. Cuối cùng là… không còn gì cả. Điều đó cứ lặp lại hết lần này đến lần khác” - Eugene Morgan, một thủy thủ kể về ký ức kinh hoàng. Hơn 3 ngày sau vụ chìm tàu, một phi công khi bay tuần tra mới phát hiện ra những người sống sót. Hải quân Mỹ lúc đó mới nhận ra tàu Indianapolis đã bị đánh chìm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét