Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Phục hồi và phát triển kinh tế cũng phải nỗ lực như chống dịch

ảnh 1Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020

Dịch bệnh tạo ra thách thức lớn với kinh tế Việt Nam

Phát biểu trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020, tháng sau khá hơn tháng trước. Cả nước tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần. Bình quân tính chung 7 tháng, CPI tăng 4,07% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản ở mức 2,74%.

Đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao tới 13,5%, xuất siêu 6,5 tỷ USD. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7 tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong sản xuất nông nghiệp, tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh, Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020. 

Trong lĩnh vực đầu tư, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm. Đáng chú ý là tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Đăng ký vốn FDI mới trong 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD. 

Đặc biệt, công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, nhất là trong việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch, đời sống người dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm mạnh 74,9%. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính tới cuối tháng 6-2020, các địa phương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ 15,8 triệu người, tương ứng với số tiền hỗ trợ hơn 11.000 tỷ đồng. Nhiều quy định về việc thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đã sớm được triển khai.

Trong khi kinh tế thế giới khó khăn, hầu hết các nước đều rơi vào suy thoái, nỗ lực của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Tuy nhiên, nhìn tổng thể lại, có thể thấy đây là giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam trong hàng thập kỷ qua. Mới hơn nửa năm trước, Việt Nam cán đích năm 2019 với kết quả ấn tượng khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra là từ 6,6-6,8%. Mức tăng trưởng này chỉ thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017.

Một dấu mốc ấn tượng nữa là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2019 của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, so với GDP đạt 210,4%. Điều đó cho thấy độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn và chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới. Tuy nhiên, thành tích của năm 2019 cũng cho thấy rõ hơn thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay.

Cần đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả để chống dịch thành công

Trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp, vaccine phòng bệnh lại chưa có, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất. Chống dịch phải như chống giặc. Tuy nhiên, những biện pháp chống dịch ngặt nghèo cũng tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn 1 chống dịch, việc thực hiện giãn cách xã hội khoảng 20 ngày đã khiến tăng trưởng quý II năm 2020 đạt rất thấp, chỉ còn 0,3%. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, đến nay, ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 17,77 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Điều đó đặt ra yêu cầu phải làm sao vừa chống dịch thành công, vừa phải tập trung thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, không để kinh tế đứt gãy do dịch bệnh, nhất là tại các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, để chúng ta tiếp tục có nguồn lực chống dịch thành công. Phục hồi và phát triển kinh tế cũng phải như chống dịch. Tình hình trên đòi hỏi Việt Nam phải hết sức tỉnh táo; phân tích tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Chủ trương lớn của Chính phủ là phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đi đôi với việc quyết liệt phòng, chống dịch, thì cũng cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; không chủ quan, lơ là, thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh, song cũng cần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương.

Bài học của Singapore cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát ở khu công nhân, Chính phủ nước này đã đóng cửa toàn quốc. Tuy nhiên sau đó, từ thực tế 99% ca lây nhiễm chỉ trong khu ký túc xá của công nhân, các chuyên gia đã nêu giải pháp chỉ cách ly khu ký túc xá công nhân, không cần đóng cửa toàn quốc. Ở trong nước, kinh nghiệm Thái Bình cũng cho thấy, khi phát hiện có ca dương tính Covid-19, tỉnh này chỉ khoanh vùng nơi bệnh nhân sinh sống là thôn Bùi (xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà), chứ không phải khoanh vùng, phong tỏa cả xã hay cả huyện.

Trong phiên họp Chính phủ tháng 7-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm chỉ tập trung phong tỏa trung tâm dịch, giãn cách xã hội ở những vùng dịch. Với các địa phương không phải là lây nhiễm tại cộng đồng mà nguồn xuất phát từ Đà Nẵng trở về, sẽ khoanh trong phạm vi bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội hoạt động bình thường. 

Thông điệp trên của Thủ tướng cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu lại trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm chung của Chính phủ khi phát hiện ổ dịch phải khoanh lại, “đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ để dập tắt. Việc khoanh vùng phải có bán kính vừa đủ để dập dịch, đồng thời vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh, thông thương của nền kinh tế”.

Sự tỉnh táo, linh hoạt cùng khả năng duy trì sự cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế-xã hội đã giúp chúng ta chống dịch thành công, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét