Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Đoàn kết và niềm tin tạo nên sức mạnh vượt qua đại dịch Covid-19

ảnh 1Các lực lượng chức năng giám sát việc thực hiện quy định giãn cách xã hội tại Đà Nẵng

Tự tin trong giai đoạn mới chống dịch

Sự lan nhanh của dịch bệnh cùng số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày, số ca diễn tiến nặng cũng nhiều hơn so với giai đoạn trước cho thấy dịch bệnh có chiều hướng phức tạp. Thử thách ngày càng lớn nhưng chúng ta không bi quan, lo sợ bởi quá khứ cho ta thấy nhiều điều.

Việt Nam không phải là quốc gia giàu mạnh, trang thiết bị y tế còn hạn chế nhưng chúng ta đã vượt qua giai đoạn trước đây của dịch bệnh bởi có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Ngay từ ngày đầu dịch bùng phát, Thủ tướng đã tuyên bố: “Chống dịch phải như chống giặc, kể cả có thiệt hại về kinh tế cũng chấp nhận bởi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết”. Tinh thần đó đã tạo dựng niềm tin trong nhân dân, khơi dậy sức mạnh cộng đồng cùng chung tay chống dịch.  

Khi thế giới ở nơi này, nơi khác còn chưa có sự chuẩn bị, còn chần chừ chọn lựa giữa bảo vệ sức khỏe và bài toán kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng hành động. Khi có thông tin về ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán và nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn số 79-CV/TW, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc. 

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ máy từ trung ương đến địa phương đã nhanh chóng hành động. Trong khi Bộ Y tế đóng vai trò là lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch, thì các bộ, ban ngành khác cũng tham gia tích cực, từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đến Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Mỗi người dân, mọi tầng lớp xã hội tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động về tinh thần tương thân tương ái trong dịch bệnh đã được lan tỏa. Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.

Chính sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả tích cực trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trong giai đoạn đầu. 

Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, trong triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả. Thế giới bày tỏ ấn tượng trước những kết quả Việt Nam đã làm được, coi Việt Nam như hình mẫu trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Chiến thắng của Việt Nam trong giai đoạn chống dịch trước đây là chiến thắng của cả một quốc gia đoàn kết, là chiến thắng từ các quyết sách đúng và dứt khoát của Đảng, Nhà nước và từ sự đồng lòng hưởng ứng, nỗ lực hợp tác của người dân. Nó cũng là cơ sở để chúng ta tự tin khi bước vào giai đoạn chống dịch hiện nay.

Xây bức tường thành vững chắc ngăn dịch 

Với việc thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội từ 13h ngày 26-7 theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới chống đại dịch.

Khác với đợt dịch lần trước, lần này, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp hơn. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh xuất hiện một số ca dương tính tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch Covid-19 lần này đã khác so với lần trước do dịch đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0.

Cuộc họp của Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ hôm 30-7 nhận định, số người nhiễm bệnh trong giai đoạn mới này ở các bệnh viện Đà Nẵng sẽ cao hơn so với ở Bạch Mai trước đây, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Điều đó cho thấy tình hình dịch bệnh phức tạp và diễn biến nhanh trong thời gian ngắn.

Để không bị “vỡ trận”, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, thì sự tham gia của người dân trong giai đoạn chống dịch hiện nay đóng vai trò quyết định. Tin tưởng và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ là trách nhiệm mà mỗi người dân phải thực hiện. Trước hết là những hướng dẫn cơ bản như hạn chế đi lại khi không cần thiết, đeo khẩu trang nơi tập trung đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sát khuẩn nơi ở và làm việc…

Có một thực tế là các địa phương không thể nắm bắt được hết số lượng người từng đến Đà Nẵng thời gian qua, cũng như những người đã tiếp xúc ca mắc Covid-19, rồi F1, F2... Theo con số thống kê, chỉ từ ngày 25-6 đến ngày 24-7, riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 32 nghìn người đi du lịch Đà Nẵng về, với thành phố Hồ Chí Minh là hơn 18 nghìn người.

Vì vậy, chỉ có tinh thần tự giác, trách nhiệm với cộng đồng của từng người dân khai báo, chủ động liên lạc cơ sở y tế, tự cách ly mới hiệu quả, chuẩn xác nhất. Giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly là mắc tội với cộng đồng, với đất nước. 

Trước hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, gây ra những “lỗ rò” hết sức nguy hiểm trên bức trường thành chống đại dịch mà cả nước phải mất bao công sức, tiền của mới xây đắp lên được, mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động đề phòng, nếu phát hiện có người nước ngoài xâm nhập trái phép, phải thông tin ngay đến cơ quan chức năng. Đó không phải là chuyện của người khác, mà là trách nhiệm của chính mình, bởi nếu những người đó mang mầm bệnh thì sẽ là tai họa.

Tham gia chống dịch của mỗi người dân còn bao gồm cả chống lại những biểu hiện tiêu cực sinh ra từ dịch bệnh. Đó là nạn đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng y tế giả, buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài. Đó là đấu tranh với những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, làm rối lòng quân, gây hoang mang trong dân làm ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch.

Với sự đồng lòng của cả xã hội, khi mỗi người dân trở thành “một chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch, chúng ta sẽ tạo dựng được bức tường thành vững chắc ngăn dịch thành công.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét