Anh đã áp dụng trở lại biện pháp cách ly bắt buộc với du khách đến từ Tây Ban Nha
Những kịch bản của kinh tế toàn cầu trong đại dịch
Hàng loạt các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, nơi “làn sóng thứ hai” Covid-19 bùng phát, đã phải áp dụng trở lại các biện pháp mạnh, kể cả giãn cách xã hội tại những khu vực riêng biệt. Ai cũng hiểu rằng nếu không cẩn trọng, nguy cơ dịch bùng phát mạnh với những hậu quả khó lường là điều khó tránh khỏi.
Thế nhưng, trong thời đại mà sự thịnh vượng phụ thuộc vào trao đổi thương mại và luồng di chuyển của người dân trên toàn cầu, chính sách “pháo đài chống dịch” dù giúp chặn đà lây lan của dịch bệnh nhưng cũng gây ảnh hưởng trầm trọng đến các nền kinh tế. Các biện pháp mạnh có thể là liều thuốc cắt cơn cấp tính nhưng tác dụng phụ của nó cũng làm các nền kinh tế lao đao. Hơn nửa năm bị Covid-19 tàn phá, kinh tế toàn cầu đã tụt dốc mạnh. Từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) đến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đều bi quan về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của thế giới cho giai đoạn 2020-2021.
IMF trong báo cáo công bố gần đây dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ mất 4,9% so với hồi năm 2019. Nhìn vào những cột trụ kinh tế của thế giới, Trung Quốc là một ngoại lệ may mắn với dự báo tăng trưởng kinh tế từ 6,9% năm 2019 rơi xuống còn 1% dưới tác động của Covid-19. Trong khi đó, từ Mỹ đến châu Âu hay Nhật Bản, GDP đều sụt giảm. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ là âm 8% trong năm nay. GDP tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu giảm hơn 10%.
Chịu ảnh hưởng mạnh nhất là ngành du lịch. Các con số thống kê cho thấy do Covid-19, số lượng khách du lịch quốc tế giảm 300 triệu lượt trong 5 tháng đầu năm 2020, khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại gấp 3 lần so với khoản thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Nhìn về tương lai, Tổ chức du lịch thế giới dự báo số lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm 60-80% so với con số 1,5 tỷ lượt khách của năm 2019.
Nếu cứ tiếp tục đóng cửa, thiệt hại sẽ càng tăng lên. Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã đưa ra 3 kịch bản, tương ứng với thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa kéo dài trong 4 tháng, 8 tháng và 12 tháng. Tương xứng với các kịch bản trên, thu nhập ngành du lịch toàn cầu sẽ giảm lần lượt 1.170 tỷ USD, 2.200 tỷ USD và 3.300 tỷ USD, hoặc từ 1,5-4,2% GDP toàn cầu. Mỹ là nước chịu thiệt hại về du lịch nhiều nhất với sự “bốc hơi” 538 tỷ USD (3% GDP) nếu các biện pháp phong tỏa kéo dài 12 tháng, tiếp sau là Trung Quốc (105 tỷ USD), Thái Lan và Pháp.
Ra khỏi tình trạng ngặt nghèo hiện tại để tái khởi động nhịp sống như trước đại dịch, tránh cơn suy thoái thêm trầm trọng là thách thức mà các nước đều đang phải đối mặt. Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới phải tính đến chuyện làm sao phải “sống chung” với những con virus SARS-CoV-2 tai quái, ít nhất là cho đến khi vaccine trị bệnh ra đời.
Linh hoạt “sống chung” với dịch bệnh
Trong bối cảnh đó, vừa chống dịch vừa phải khôi phục nền kinh tế là thách thức nhưng cũng là điều không thể khác với các nước. Trong thông báo của Tổ chức du lịch thế giới (WTO) đưa ra ngày 28-7, Tổng thư ký WTO Zurab Pololikashvili đã lưu ý rằng ngành du lịch ảm đạm đe dọa đến kế sinh nhai của hàng triệu người, đồng thời nhấn mạnh số liệu mới nhất cho thấy rõ sự cần thiết phải nối lại hoạt động của “ngành công nghiệp không khói” ngay khi có thể.
Kinh nghiệm thực tế chỉ ra là mỗi nước có thể căn cứ vào thực tế tình hình ở nước mình để áp dụng các biện pháp phù hợp. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với một số lãnh đạo các tổ chức nghiệp đoàn và doanh nghiệp, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa người lao động trở lại công ty làm việc, đồng thời cho biết trong trường hợp có những ổ dịch mới xuất hiện, chính quyền sẽ chỉ áp dụng lệnh phong tỏa tại khu vực đó nhằm tránh những thiệt hại kinh tế to lớn có thể xảy ra nếu lại áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Tại Pháp, Chính phủ nước này ngày 28-7 thông báo kế hoạch cho phép cổ động viên trở lại cổ vũ các trận đá bóng. Theo đó, số lượng cổ động viên tham dự sẽ được tối đa tới 5.000 người nhưng chính quyền địa phương cũng có tiếng nói trong việc quyết định số lượng người được vào sân. Thông báo của Bộ Thể thao Pháp cho biết chính quyền địa phương được phép linh hoạt “dựa trên sức chứa của các sân vận động, phân tích tình hình chung và đánh giá báo cáo tình trạng y tế ở mỗi thành phố, cũng như cần có các biện pháp bảo đảm vấn đề y tế”.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã yêu cầu các nước thành viên khôi phục lại quy định tự do di chuyển trong khối kể từ ngày 1-7. Không phải nước nào cũng thực hiện ngay, thậm chí việc một số nước như Đức muốn phong tỏa trở lại khi nguy cơ “làn sóng thứ hai” Covid-19 xuất hiện đã gây ra tranh cãi với Bồ Đào Nha - nước có nguồn thu phụ thuộc lớn vào du lịch, nhưng điều đó cho thấy yêu cầu cấp thiết của việc phải có biện pháp phù hợp để vực dậy nền kinh tế.
Tỉnh táo, linh hoạt thì mới có thể đối phó với đại dịch nguy hiểm như Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, khi cần thiết, chúng ta đã áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc thực hiện nghiêm túc. Việc thực hiện nghiêm túc với sự ủng hộ tích cực của người dân đã đưa đến kết quả tích cực. Khi đà lây lan của dịch bệnh được chặn lại, chúng ta lại chuyển sang thực hiện Chỉ thị
19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.
Phù hợp với diễn biến dịch bệnh để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch là biện pháp mà Chính phủ đang thực hiện khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số nơi như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…Với nơi dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng như Đà Nẵng thì thực hiện giãn cách xã hội triệt để như tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội cùng nhiều biện pháp nhân rộng để giảm mức độ giao lưu, đi lại tại các ổ dịch đã được phát hiện. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở “Không được ngăn sông cấm chợ”. Tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể, Thủ tướng nhất trí việc các địa phương được áp dụng Chỉ thị 19/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg khi phát hiện ổ dịch.
Điều cần thiết với mỗi người dân là tin tưởng và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ trong từng thời điểm, với từng địa phương. Covid-19 nguy hiểm chết người nhưng đối phó với nó lại có thể bằng những biện pháp đơn giản như hạn chế đi lại khi không cần thiết, đeo khẩu trang nơi tập trung đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sát khuẩn nơi ở và làm việc…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét