Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Chẳng phải chỉ là chuyện trồng rau
Tờ Glolal Times (Thời báo Hoàn cầu), ấn phẩm bằng tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật báo cùng trang China Military Online (Quân đội Trung Quốc Online), một trang thông tin được bảo trợ bởi Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cùng đồng loạt dẫn nguồn tin quân đội nước này tuyên bố lần đầu tiên thu hoạch được rau trồng bằng công nghệ trên cát tại một căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm năm 1974 và chiếm đóng suốt từ đó tới nay.
Cụ thể, một báo cáo của hải quân Trung Quốc cho biết lực lượng này đã lần đầu tiên thu hoạch được 1,5 tấn rau xanh trồng trên cát, bao gồm 7 loại khác nhau, như bắp cải, rau diếp... Công nghệ mà Trung Quốc tuyên bố là “biến cát thành đất màu” này do nhóm nghiên cứu của hải quân nước này phối hợp với Đại học Giao thông Trùng Khánh thực hiện trong 4 tháng qua trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa).
Tại nơi mà trước đó Trung Quốc chưa hề trồng rau, nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã trộn một loại bột kết dính sợi thực vật vào cát, sau khi tưới nước để “biến” cát trở thành đất. Trung Quốc nói hạt giống được trồng trên diện tích khoảng 330m2 đã cho thu hoạch hơn 1,5 rấn rau chỉ sau khoảng một tháng, tức có thể được thu hoạch 5 hoặc 6 lần trong một năm nếu trồng liên tục.
Việc trồng rau ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã được Bắc Kinh nghiên cứu, chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Trước đó, một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Giao thông Trùng Khánh từng tiến hành thí điểm việc cải tạo khoảng gần 2.700m2 đất sa mạc ở khu tự trị Mông Cổ thành đất canh tác năm 2017, công nghệ dùng để tiến hành trồng rau ở đảo Phú Lâm.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại muốn làm rùm beng việc thu hoạch lứa rau đầu tiên trồng bằng công nghệ “biến cát thành đất màu” ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khi thông tin bằng tiếng Anh ra bên ngoài. Đây không chỉ đơn thuần là một nghiên cứu, tiến triển công nghệ sinh học về nông nghiệp mà nó nằm trong toan tính bài bản, lớp lang trong việc thực hiện tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.
Thay đổi nguyên trạng để đòi chủ quyền ở Biển Đông
Trung Quốc trước đó lấy các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và những đá ngầm, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam lần lượt vào năm 1974 và 1988 để đòi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có những đá ngầm mà Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép thành các đảo nổi nhân tạo. Với những đảo ở quần đảo Hoàng Sa và cái gọi là “hòn đảo” ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc lấy đó làm căn cứ để “vẽ ra” vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa hòng đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đó cũng là thứ mà Trung Quốc cho là căn cứ để chính thức công bố yêu sách “đường lưỡi bò” năm 2009 nhằm đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Tham vọng chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc tiến thêm một bước nữa khi công bố học thuyết “Tứ Sa” vào năm 2013. Theo học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với 4 tên “Hán hóa” lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa.
Trung Quốc khẳng định rằng, tất cả các thực thể nằm trên Biển Đông đều là đảo, trong khi đó Bắc Kinh đang sở hữu các thực thể đó cho nên nước này có cả các quyền tại các vùng nước xung quanh các thực thể đó. Thậm chí cả các bãi san hô luôn chìm dưới mặt nước biển, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể đó bất chấp điều này là trái với luật biển quốc tế. Nguyên tắc “đất thống trị biển” quy định rõ, chỉ những thực thể nào đáp ứng được yêu cầu là “đảo” thì mới có thể có vùng đặc quyền và thềm lục địa kèm theo.
Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nêu rõ: 1- Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước; 2- Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác; 3- Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa. Như vậy, có thể thấy rất rõ là những đảo và đảo đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép hoàn toàn không phải là hòn đảo để dựa vào đó làm căn cứ đòi có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Thêm nữa, Điều 60 của Công ước UNCLOS 1982 đã phủ nhận quy chế cho các đảo nhân tạo (Artificial islands) khi nêu rõ như sau: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Vì thế, Tòa trọng tài thường trực (PCA) khi thụ lý vụ kiện Trung Quốc của Philippines đã đưa ra phán quyết ngày 12-7-2016 bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, Trung Quốc vẫn nuôi tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó, thay đổi nguyên trạng các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép để chúng phù hợp với quy định của UNCLOS 1982 là điều mà Trung Quốc thực hiện với toan tính sâu xa. Khi tuyên bố trồng rau trên đảo Phú Lâm, tờ Global Times dẫn lời Chen Xiangmiao thuộc Viện Nghiên cứu biển Hoa Nam (Trung Quốc) tuyên bố không cần úp mở: “Trồng được rau sẽ giúp có thể thực hiện bước tiếp theo, chẳng hạn như nuôi lợn hoặc gà. Gây dựng được chu kỳ sinh thái, các đảo sẽ là nơi thích hợp hơn cho con người sống sinh sống trên đó lâu hơn. Trong tương lai, mỗi hòn đảo có thể tạo thành một cộng đồng độc lập nhỏ”.
Trồng rau ở đảo Phú Lâm do vậy chính là một bước đi trong toan tính biến những đảo, thực thể chiếm đóng phi pháp thành cơ sở hòng đòi chủ quyền ở Biển Đông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét