Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Nhiều thành phố Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm kiểm soát tình trạng bạo lực

Biểu tình ngày càng lan rộng

ảnh 1Người biểu tình đập phá xe ô tô gần Nhà Trắng ở Thủ đô Washington

Thị trưởng New York (Mỹ) Bill de Blasio ngày 1-6 đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố này từ 23h đến 5h sáng hôm sau trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đôi khi biến thành bạo lực đang lan rộng khắp cả nước. Mặc dù tuyên bố “ủng hộ biểu tình hòa bình”, song Thị trưởng De Blasio thông báo trên Twitter rằng, ông đã đưa ra quyết định trên với sự tham vấn Thống đốc bang New York Andrew Cuomo sau khi lãnh đạo của nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm với nỗ lực kiểm soát chặt chẽ tình trạng bạo lực và nạn cướp phá.

Liên tiếp 4 đêm vừa qua, thành phố New York chìm trong các cuộc biểu tình phản đối vụ cảnh sát giết chết người Mỹ gốc Phi George Floyd đã khiến hàng chục người bị thương, hàng trăm người bị bắt giữ và nhiều xe cảnh sát bị đám đông quá khích đốt cháy. Trong số những người bị bắt giữ có con gái Thị trưởng de Blasio là Chiara de Blasio, 25 tuổi.

Báo chí Mỹ cũng cho hay các phóng viên đưa tin biểu tình ở nhiều thành phố ở Mỹ cũng bị cảnh sát tấn công. Văn phòng tư pháp quận trung tâm Manhattan ngày 1-6 cho biết, họ đang điều tra vụ việc phóng viên da màu của tờ Wall Street Journal đã “tweet” trên mạng xã hội rằng anh bị cảnh sát tấn công bằng “đập khiên chắn vào mặt nhiều lần và đẩy anh xuống đất” khi anh đang tác nghiệp tại khu vực này. 

Thị trưởng Washington D.C. Muriel Bowser ngày 1-6 thông báo sẽ tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm kể từ 19h  tới sáng 2-6 theo giờ địa phương, sau khi bùng nổ các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn quốc.  Ông Buriel Bowser kêu gọi người dân tại Washington D.C cần nghĩ cách thức để trở thành một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của “sự phá hủy”. 

Cảnh sát trưởng Washington D.C. Peter Newsham cho biết, hơn 200 người đã bị bắt với một nửa trong số đó bị buộc tội “gây bạo loạn nghiêm trọng”. Bảy sĩ quan cảnh sát đã bị thương nhưng không ai phải nhập viện. Ông Newsham cho hay, cảnh sát sẽ tiến hành bắt giữ thêm những người phản đối sau khi phân tích các video quay cảnh biểu tình.

Không loại trừ khả năng triển khai lực lượng vũ trang 

Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ sau các cuộc bạo động bùng phát sau vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968. Các cuộc biểu tình đã khiến nhiều kẻ lợi dụng tình hình đập vỡ kính các cửa hiệu để hôi của và nhiều khu vực đã diễn ra cảnh giẫm đạp và đốt phá. Đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát tiếp tục nổ ra ở nhiều quận lớn ở thành phố New York.

Ngày 1-6, Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi khôi phục trật tự và luật pháp trên toàn nước Mỹ, đồng thời chỉ trích những phần tử quá khích tiến hành các vụ biểu tình bạo loạn trong đêm thứ 6 liên tiếp ở nhiều địa phương của Mỹ.  Trả lời hãng tin Fox News, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Kayleigh McEnany khẳng định: “Chúng tôi cần trật tự và luật pháp ở đất nước này”. Bà cáo buộc Antifa, một nhóm chống phátxít, đứng đằng sau các vụ bạo lực này. Tổng thống Donald Trump ngày 31-5 đã liệt nhóm này vào danh sách tổ chức khủng bố. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không loại trừ khả năng triển khai hàng nghìn binh sĩ và lực lượng bảo vệ pháp luật được trang bị vũ trang đầy đủ để ngăn chặn bạo lực leo thang ở Thủ đô Washington, đồng thời nhấn mạnh sẽ có hành động tương tự ở các thành phố khác nếu cần thiết. Lực lượng vệ binh quốc gia cho biết đã triển khai lực lượng tới 23 bang và Thủ đô Washington.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét