Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Ngân hàng Nhà nước siết chặt quy định để tăng cường bảo mật cho ví điện tử

Càng phổ biến, càng phải "siết chặt" bảo mật

Sinh sau đẻ muộn nhưng không thể phủ nhận sự phát triển mạnh của ví điện tử trong vài năm gần đây, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Với sự góp mặt của hàng loạt các “ông lớn” fintech như MoMo, Moca, ZaloPay, ViettelPay, Payoo… các ví đã không ngừng khởi tạo hệ sinh thái riêng để ngày càng đi sâu vào đời sống thường nhật, phục vụ từng giao dịch thanh toán nhỏ nhặt từ nạp tiền điện thoại, trả tiền ăn uống cho đến thanh toán xe công nghệ, giao thức ăn, mua bảo hiểm…

ảnh 1

Logo của các ví điện tử “chen chúc” nhau tại một quầy bán rong

Sự sôi động đó sẽ chưa dừng lại, khi thực tế các ví mới “nếm” được phần rìa của miếng bánh thị phần. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12/2019, cả nước đang có khoảng 10 triệu tài khoản ví điện tử, trong khi có đến gần 90 triệu tài khoản ngân hàng. Rõ ràng, cuộc đua ví điện tử chỉ mới bước qua giai đoạn xâm nhập, và với sự bùng nổ của nền kinh tế số hậu Covid-19 cùng đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, mảng ví điện tử sẽ còn tiếp tục lên ngôi.

Song, cùng với sự phổ biến của hình thức thanh toán ví điện tử, các hành vi lừa đảo, đánh cắp tài khoản cá nhân cũng ngày càng tăng lên khiến nhiều người dùng ngần ngại.

Chị Hà (24 tuổi, TP. HCM) chia sẻ: “Dù các ví điện tử đã cung cấp nhiều lớp bảo vệ cho tài khoản khách hàng như OTP, xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt... nhưng nếu không xác thực được tài khoản thì chưa thể giải quyết tận gốc những rủi ro, đặc biệt là việc mạo danh tài khoản để thực hiện mục đích xấu. Do đó, tôi nghĩ vấn đề định danh với tài khoản ví điện tử cần phải được chú trọng”.

Tăng cường bảo mật cho ví điện tử để bảo vệ người dùng

Tại buổi họp báo giới thiệu sự kiện “Ngày thanh toán không tiền mặt 2020” diễn ra chiều 26/05/2020, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng thanh toán qua di động bùng nổ thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, đã đặt ra yêu cầu cao hơn về bảo mật tài khoản, trong đó xác thực, định danh khách hàng là một trong những điều bắt buộc.

Theo đó, Thông tư 23/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối năm 2019 đã “siết chặt” các yêu cầu về hồ sơ mở ví điện tử của người dùng. Với những quy định bổ sung, trước ngày 7/7/2020, tất cả chủ ví điện tử cần cung cấp các giấy tờ như căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (với cá nhân là người nước ngoài) và liên kết tài khoản ví điện tử với tài khoản ngân hàng của mình.

Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, nguy cơ lớn nhất trong giao dịch không gian mạng là sự ẩn danh, dẫn đến việc lợi dụng ví cho những hoạt động bất hợp pháp. Do vậy, ví điện tử cần xác định được đúng danh tính người chủ tài khoản. Việc này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

ảnh 2

  Tất cả người dùng ví điện tử bắt buộc phải xác thực tài khoản ví điện tử trước ngày 7/7/2020 theo quy định của NHNN

Chị Xuân Phương (35 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đồng tình với quy định xác thực tài khoản bắt buộc khi dùng ví điện tử. Tôi cảm thấy yên tâm hơn do tài khoản đã được xác minh “chính chủ”, giảm thiểu nguy cơ bị giả mạo và nếu lỡ có sự cố cũng sẽ dễ dàng xử lý.”

Còn theo anh Bá Quang (29 tuổi, Hà Nội), cũng như thẻ ATM, thẻ tín dụng thì ví điện tử cũng là phương thức thanh toán trong thời đại mới, có tiện lợi, có nhanh chóng thì kèm quy định là điều hiển nhiên. “Tôi cảm thấy không khó chịu hay phiền hà gì ở bước đăng ký này vì có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc”, anh Quang nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét