Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Cảnh sát hình sự Hà Nội khuyến cáo và phòng ngừa tội phạm cướp giật

Thông qua Báo ANTĐ, chỉ huy Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Đội 8), Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo và hướng dẫn người dân cách thức phòng ngừa tội phạm cướp giật, theo quy luật sẽ “nóng” trong thời gian tới.

ảnh 1Công an Hà Nội đấu tranh đối tượng có hành vi cướp giật

Tội phạm cướp và cướp giật tài sản tài sản thường lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân để hoạt động vào bất kỳ thời gian nào. Phương thức hoạt động của tội phạm dạng này cũng rất tinh vi, táo tợn và manh động, nhiều đối tượng mang theo hung khí để chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi.

Thời gian qua, CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, địa bàn đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền với nhiều hình thức trong mọi tầng lớp nhân dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp giật.

Lực lượng Công an tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn, kịp thời phân tích, đánh giá những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm và chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản trong đó có quản lý lưu trú, tiến hành tổng rà soát toàn bộ số đối tượng tỉnh ngoài, ổ nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động, đặc biệt số đối tượng tù tha, có dấu hiệu hoạt động tội phạm để theo dõi, quản lý phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh kịp thời.

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ được lực lượng Công an triển khai đồng bộ, người dân cần nâng cao cảnh giác, không được chủ quan và phải có biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản của gia đình một cách chặt chẽ.

Khi tham gia giao thông trên đường, mọi người dân cần chú ý quan sát qua gương chiếu hậu, nếu phát hiện thấy có đối tượng nghi vấn bám theo, hay có biểu hiện cố tình va chạm giao thông, cần phải đi sát vào lề đường, hoặc dừng hẳn ở chỗ có nhiều người qua lại; Không nên cho người lạ, không quen biết đi nhờ xe; Cảnh giác khi có người đi sát hỏi đường, hoặc khi dừng đèn đỏ; Cần chú ý khi rút tiền ở ngân hàng và điểm ATM, nên có người đi cùng và quan sát xung quanh trước khi rời khỏi các địa điểm này, để nhận diện, phát hiện kẻ gian có thể đeo bám  chờ cơ hội ra tay cướp giật tài sản.

Khi bị trộm cắp, cướp giật, người bị hại phải tri hô, đồng thời ghi nhớ nhận dạng đối tượng, loại phương tiện sử dụng gây án, biển số xe và trình báo ngay cơ quan Công an nơi gần nhất. “Việc trình báo sớm, chi tiết đặc điểm, diễn biến vụ việc là điều kiện quan trọng để lực lượng Công an điều tra, bắt giữ đối tượng phạm tội”, chỉ huy Đội 8 nhấn mạnh.

Theo chỉ huy Đội 8, một trong những nguyên nhân khách quan là nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ tài sản cá nhân còn nhiều hạn chế. Hầu hết nạn nhân trong các vụ cướp, cướp giật tài sản đều là phụ nữ, khi tham gia giao thông thường đeo túi xách trên vai hoặc để ở phía trước xe máy, hoặc sử dụng điện thoại, đeo các loại trang sức có giá trị.

Đối tượng thường lợi dụng các đặc điểm địa bàn và thời gian lưu thông trên đường của người dân như các tuyến đường vắng người đi lại ở các quận nội thành, các tuyến đường đê, các trục đường không có đèn chiếu sáng, không có camera theo dõi, hoặc các tuyến đường trong khu công nghiệp tại các huyện ngoại thành mà người dân, đặc biệt là những người lao động đi chợ vào thời gian sáng sớm, công nhân đi làm việc, tan làm vào thời gian tối muộn... để thực hiện hành vi cướp, cướp giật tài sản.

“Vai trò của lực lượng Công an trong công tác phòng chống tội phạm là nòng cốt, nhưng ý thức của người dân cũng là một trong những yếu tố  quan trọng giúp hạn chế tình trạng tội phạm này”, phòng Cảnh sát hình sự nêu rõ, và đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với các thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét