Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề "cấm đầu tư, kinh doanh"

ảnh 1

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê? (ảnh internet)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), được Chính phủ đưa vào chương trình sửa đổi luật trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được xây dựng theo hướng loại bỏ 12 ngành nghề kinh doanh khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, đồng thời bổ sung 6 ngành nghề khác vào danh mục kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, các ngành nghề được bỏ ra khỏi danh mục gồm: hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); nhượng quyền thương mại; kinh doanh logistic; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư;

Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng.

Đáng chú ý, trong danh mục ngành nghề được loại bỏ khỏi danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” đã được loại bỏ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, Chính phủ bổ sung "kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, tương tự như kinh doanh các chất ma túy, hóa chất, khoáng vật và động thực vật hoang dã...

6 ngành, nghề mới được bổ sung vào danh mục kinh doanh có điều kiện, gồm: kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu; đăng kiểm tàu cá; đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá; và kinh doanh dịch vụ kiến trúc.

Trước đó, Bộ Tài chính công bố bãi bỏ Nghị định (NĐ) số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đồng thời cũng bãi bỏ Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12-9-2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 104 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2 dự thảo này được Chính phủ đưa vào chương trình sửa đổi luật trong kỳ họp Quốc hội tới đây.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét