Cần nhận biết cơn đau bụng nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời
Đau ở vùng bụng trên: Cơn đau tim
Một cơn đau không rõ ràng ở bụng trên hoặc giữa bụng kèm theo buồn nôn và ợ hơi có thể báo hiệu một cơn đau tim. Nôn mửa kèm với đau lưng hoặc đau quai hàm và khó thở cũng có thể là những triệu chứng của cơn đau tim đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc khẩn cấp.
Đau bụng và giảm cân: Ung thư
Đau bụng dai dẳng kèm theo giảm cân, có máu trong phân, triệu chứng thiếu máu và tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa hoặc các bệnh viêm ruột, là bệnh nghiêm trọng có thể là ung thư.
Đau bụng sau khi ăn nhiều: Bệnh túi mật
Một cơn đau ở bụng dai dẳng sau khi ăn nhiều là dấu hiệu của một cuộc tấn công túi mật. Nhiệm vụ chính của túi mật là lưu trữ mật và phân phối đến ruột non để hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Khi túi mật bị tắc nghẽn và bị viêm, có thể dẫn đến bệnh túi mật.
Đau bụng dưới bên trái: Viêm túi thừa
Đau bụng ở bụng dưới bên trái, đặc biệt đau nặng hơn khi đi lại, có thể là viêm túi thừa. Đây là những túi nhỏ trong đại tràng, có thể bị tắc nghẽn hoặc thủng. Có thể điều trị bằng kháng sinh và một số chất làm mềm phân để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Đau âm ỉ ở vùng bụng trên: Đầy hơi
Bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như cơn đau xuất hiện khiến bụng sưng lên, bạn cảm thấy như có gì đó đang di chuyển trong dạ dày, ợ hơi... Ăn và nuốt quá nhanh có thể gây ra cảm giác này. Đồ uống có gas, bia, các sản phẩm từ sữa và đậu cũng là nguyên nhân hình thành khí quá mức trong dạ dày.
Đau vùng trên cùng của bụng: Chứng ợ nóng
Ngoài đau bụng, bạn có thể cảm thấy nóng rát trong cổ họng và đôi khi có vị axit ở miệng. Ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay, rượu, hành sống, chocolate, trái cây họ cam quýt và đồ uống chứa caffeine có thể gây ợ nóng. Hút thuốc lá càng làm chứng ợ nóng tồi tệ hơn. Tốt nhất là bạn nên tránh xa các thực phẩm trên, cố gắng không ăn quá nhiều.
Đau dữ dội ở vùng bụng trên: Loét dạ dày
Loét xuất hiện khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương hoặc lạm dụng thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen. Uống quá nhiều rượu cũng tác động xấu đến dạ dày và gây loét. Các triệu chứng khác của loét dạ dày là thay đổi khẩu vị, buồn nôn, đại tiện ra máu hoặc sẫm màu, sụt cân không rõ nguyên nhân, nôn mửa và đau ngực. Để ngăn ngừa loét dạ dày, không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày, đặc biệt không uống cùng với thuốc. Bạn cũng nên hạn chế thuốc giảm đau và rửa tay trước mỗi bữa ăn.
Bụng đau co thắt và đầy hơi: Hội chứng ruột kích thích
Nếu hệ thống tiêu hóa nhạy cảm, bạn có thể bị co thắt ở bụng, đầy hơi và mắc hội chứng ruột kích thích. Hệ thống tiêu hóa bắt đầu hoạt động nhanh, dẫn đến tiêu chảy hoặc mọi thứ sẽ chậm lại, gây táo bón. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích chưa được xác định. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên kiểm tra loại thực phẩm nào khiến bạn nhạy cảm và hạn chế tiêu thụ.
Bụng đau co thắt và tiêu chảy: Viêm dạ dày - ruột
Bạn có thể cảm thấy đau nhói và co thắt ở vùng bụng, bị tiêu chảy (không có máu), buồn nôn, nôn mửa, đau cơ, thỉnh thoảng đau đầu và sốt nhẹ. Đây là dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày - ruột do virus hay cúm dạ dày. Nguyên nhân có thể là tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, sử dụng đồ dùng cá nhân của người bị nhiễm bệnh.
Đau dữ dội ở phía trên bụng bên phải và dưới vai: Sỏi mật
Các triệu chứng của sỏi mật là đau dữ dội và đột ngột ở vùng bụng trên bên phải, sốt, run rẩy và buồn nôn. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hình thành sỏi mật bao gồm thừa cân hoặc béo phì, ít vận động, mang thai, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol cao, không ăn đủ chất xơ, tiểu đường... Để ngăn ngừa sỏi mật, bạn không bỏ bữa, kiểm soát cân nặng, bổ sung thêm chất xơ, tập thể dục đều đặn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét