Hàng nhập khẩu Trung Quốc trong các siêu thị ở Mỹ sẽ tăng giá do chính sách thuế mới
Cho đến nay, dư luận còn chưa hết xôn xao vụ Tổng thống Donald Trump dường như bị hớ khi thừa nhận “cảm thấy hối tiếc” về việc leo thang đòn áp thuế chống lại Trung Quốc, để rồi sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phải “chữa cháy” bằng cách giải thích rằng Tổng thống Donald Trump hối tiếc vì không áp thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc.
Tiếp đó là việc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Pháp, ông Donald Trump “khoe” rằng buổi đêm các quan chức Trung Quốc đã gọi điện cho phía Mỹ và “nói rằng hãy quay lại đàm phán”. Ấy thế nhưng ngay hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại khẳng định không hay biết gì về thông tin cho rằng quan chức Trung Quốc và Mỹ gần đây có điện đàm, bàn về thương mại.
Đúng là có chuyện nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc lên tiếng kêu gọi Mỹ giải quyết thương chiến thông qua tham vấn và hợp tác bằng một “thái độ bình tĩnh”, sau khi ông Donald Trump tuyên bố nâng mức thuế vốn đã khá cao đánh vào hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thêm 5% nữa. Nhưng không phải trong cuộc đối đầu một mất một còn này, ông Donald Trump đang hoàn toàn trên thế thắng.
Thực tế, ngày càng xuất hiện những thông tin cho thấy ông Donald Trump đang phải đối mặt với không ít rào cản trong cuộc thương chiến với Trung Quốc. Hôm 28-9, hơn 200 nhà sản xuất và bán lẻ giày dép, trong đó có những thương hiệu lớn như Nike và Foot Locker, đã ký vào lá thư với lời cảnh báo rằng các biện pháp thuế quan mới sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ tốn thêm 4 tỷ USD/năm, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhóm này cho rằng việc áp thuế sẽ khiến người dân và các gia đình Mỹ phải tăng chi tiêu, thay vì buộc Trung Quốc trực tiếp chịu thuế như Tổng thống Donald Trump tuyên bố.
160 nhóm thương mại khác, trong đó có các nhà sản xuất và bán lẻ phần mềm, sản xuất rượu, cũng cảnh báo ông Donald Trump về hệ lụy giá cả leo thang và lòng tin người tiêu dùng bị suy giảm, đồng thời hối thúc ông từ bỏ chiến lược áp thuế. Mặc dù đều nhất trí rằng Trung Quốc cần thay đổi các hành vi thương mại không công bằng, song Hội đồng Công nghiệp công nghệ thông tin Mỹ nhận định công cụ thuế quan hiện nay không hiệu quả và sẽ chỉ mang lại những kết quả tiêu cực.
Lời kêu gọi rời Trung Quốc trở về nước của ông Donald Trump với các công ty Mỹ đang khiến các công ty này khó xử. Đơn cử như Apple phải đối mặt với những trở ngại trong việc đa dạng hóa đối tác lắp ráp ngoài Trung Quốc. Thống kê cho thấy có tới 47, 6% đối tác cung ứng của Apple có trụ sở hoặc hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc. Ông Dave Evans, Giám đốc điều hành một đối tác thuộc chuỗi cung ứng Apple cho biết, hầu như không có cơ sở hạ tầng nào trên thế giới, trừ Trung Quốc, có thể sản xuất 600 nghìn điện thoại mỗi ngày.
Những công ty đã trở về Mỹ thì nay mắc kẹt với chính sách thuế mới của ông Donald Trump. Một doanh nghiệp Mỹ than phiền: “Khi tổ chức lắp ráp tại Mỹ, chúng tôi đang cố gắng đạt mục tiêu của chính quyền là chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, thuế đối với thành phẩm nhập từ Trung Quốc sẽ hạn chế đáng kể năng lực của chúng tôi làm được điều đó một cách tiết kiệm và hiệu quả”.
Ông Jennifer Cleary thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất đồ gia dụng thì cảnh báo: “Chúng ta đã chứng kiến các mức thuế tác động xấu đến việc làm của người Mỹ. Một trong số các thành viên của chúng tôi đã hủy kế hoạch bổ sung 100 việc làm và một số buộc phải chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ, trái với mục tiêu mà chính quyền đề ra”.
Về tác động tâm lý, chắc chắn đợt thuế quan mới nhất mà Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng cao, và gánh nặng này sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng Mỹ. Nếu không xử lý khéo, không đạt được sự đồng thuận nội bộ, ông Donald Trump có thể mất phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét