Việc nhìn hoạt động đối ngoại qua lăng kính của một người làm kinh doanh đang khiến tân tổng thống Mỹ trở thành một nhà ngoại giao thiếu tế nhị và khó lường nhất thế giới.
Mới đây, ông Trump có cuộc điện đàm nảy lửa với Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Trước đó, ông Trump đã phàn nàn qua điện thoại với Tổng thống Mexico rằng quốc gia này đang dung dưỡng “những phần tử cứng đầu”.
Hay như hôm 3/2, trong một đoạn tweet, ông Trump cảnh báo Iran rằng họ “đang đùa với lửa” khi tiến hành thử vũ khí đạn đạo. Những dòng tweet hay những cuộc điện đàm nói trên được cả thế giới chú ý vì phong cách ngoại giao của ông Trump đi ngược mọi quy tắc.
Thế giới hoang mang
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump đã cho thấy quan điểm của ông về tình hình thế giới luôn khó đoán định. Trên thực tế, nhằm làm yên lòng những người ủng hộ mình, ông Trump đang thực hiện những lời hứa khi tranh cử. Chính vì vậy, tân tổng thống Mỹ lại khiến cả thế giới trở nên hoang mang.
Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Trump dường như đang nhìn nhận hoạt động ngoại giao qua lăng kính của việc giao dịch kinh doanh, nơi có kẻ thắng người thua. Ông cũng có niềm tin rằng ngay cả các đồng minh cũng có thể lợi dụng Mỹ.
Cuộc trò chuyện hôm 28/1 giữa ông Trump và ông Turnbull đã biến thành màn nạt nộ, cuối cùng tân tổng thống Mỹ cúp máy đột ngột. Ảnh: Getty. |
“Phong cách ngoại giao của ông Trump rất khác so với những người tiền nhiệm”, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd nói với CNN hôm 2/2. “Ông ấy thường gây sốc và khiến người khác khó chịu. Tôi cho rằng hoạt động ngoại giao của chúng ta có lẽ phải thích nghi với điều đó”.
Lãnh đạo một số nước như Anh hay Mexico đang phải đau đầu khi những vị này có quan điểm mâu thuẫn với ông Trump. Một số đồng minh của Mỹ đã bắt đầu cảnh báo rằng ông Trump đang gây tổn hại cho mối quan hệ hợp tác 70 năm giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Michael Fullilove, giám đốc điều hành Viện Lowy, cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu Australia, nói rằng dù quan hệ đồng minh Mỹ - Australia vẫn duy trì sự mạnh mẽ sau cuộc điện đàm căng thẳng vừa qua, cách tiếp cận của ông Trump sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định.
Ông Trump đang làm những điều bất cẩn trong các vấn đề quốc gia hệ trọng.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine
“Đó là sự bất lịch sự ở mức độ mà chúng tôi không hề trông đợi”, ông Fullilove nói. "Tôi nghĩ nó chắc chắn sẽ phản ánh ý kiến công chúng về quan hệ đồng minh giữa hai nước”.
Nhiều nhân vật kỳ cựu bên đảng Dân chủ cũng tỏ ra khó chịu với ông Trump. Đánh giá cuộc điện đàm của ông Trump với thủ tướng Australia là “dại dột”, thượng nghị sĩ bang Virginia Tim Kaine nói: “Ông ta (Trump) đang hành xử thiếu thận trọng với các vấn đề quốc gia hệ trọng”.
Đối phó với Trump
Các chuyên gia chính sách đối ngoại nói rằng quan hệ Mỹ - Australia quá mạnh nên sẽ khó bị ảnh hưởng bởi sự cố vừa qua. Tuy nhiên, những tranh cãi giữa hai bên sẽ được các nhà lãnh đạo trên thế giới nhìn nhận như một bài học trong việc đối phó với ông Trump.
Thủ tướng Anh Theresa May có lẽ đã nhận ra rằng ngay cả những nhà lãnh đạo đứng cùng phe ông Trump cũng có thể bị đối xử một cách phũ phàng. Tại cuộc gặp hôm 27/1, ông Trump đã không hề thông báo cho bà May rằng ông sắp sửa ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo. Điều này khiến bà May phải chịu nhiều chỉ trích khi trở về nước.
Thủ tướng Anh Theresa May là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump sau khi ông nhậm chức. Ảnh: Getty. |
Ông Trump thường xuyên chỉ trích Liên minh châu Âu (EU), vốn bị ông cho là “tham nhũng”, đồng thời kêu gọi các nước khác nối gót Anh rời khỏi liên minh. Điều này đã khiến các đồng minh của Mỹ tức giận, bởi các nước này nhìn nhận EU là nhân tố then chốt gìn giữ hòa bình ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.
“Không thể chấp nhận được sức ép, qua những tuyên bố của tổng thống Mỹ, về việc châu Âu nên là gì và không nên là gì”, Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Malta hôm 3/2. “Sẽ không có chuyện trong tương lai với Trump nếu không hợp tác cùng nhau”.
Tuy nhiên, ông Trump tỏ ra không “hối lỗi” về các cuộc thảo luận gây bão mà ông đang tiến hành với các nhà lãnh đạo thế giới. Điều đó phần nào cho thấy ông đang thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ trên trường quốc tế hơn là có những bước đi ngoại giao thận trọng.
Chúng ta gần như đang bị mọi quốc gia trên thế giới lợi dụng. Điều này sẽ không tiếp diễn nữa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
“Thế giới đang gặp rắc rối, nhưng chúng ta sẽ làm cho trật tự trở lại. Đó là điều tôi làm. Tôi sẽ sửa đổi nhiều thứ. Chúng ta sẽ làm cho trật tự trở lại”, ông Trump nói tại một buổi tiệc sáng 2/2.
“Hãy tin tôi. Khi bạn nghe nói về cuộc điện thoại gay gắt của tôi, đừng lo ngại về nó… Chúng ta gần như đang bị mọi quốc gia trên thế giới lợi dụng. Điều này sẽ không tiếp diễn nữa”.
Được lòng cử tri
Với cá tính của mình, phong cách ngoại giao “phi ngoại giao” của ông Trump không phải là điều bất ngờ. Dù không làm hài lòng giới tinh hoa, ông Trump lại được lòng cử tri vốn bầu cho ông vì ưa chuộng sự lãnh đạo mạnh mẽ và xem những hành động của Trump là biểu hiện cho triết lý “nước Mỹ là trên hết”.
Ông Trump phát biểu nhậm chức tổng thống, tuyên bố "nước Mỹ trên hết" hôm 20/1. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao nói rằng những điều chỉnh chính sách đối ngoại gay gắt và cách hành xử thẳng thừng của ông Trump có thể khiến Mỹ khó định vị được vai trò trong các vấn đề toàn cầu quan trọng.
Ngoài ra, việc ông Trump gây căng thẳng với các nước "bạn bè" còn thể hiện sự ngắt quãng với các chính quyền tiền nhiệm, vốn cũng gặp nhiều bất đồng nhưng không gây bất bình trong dư luận.
Bạn có thể tranh cãi với bạn bè nhưng hãy làm việc đó sau cánh cửa, đừng phơi bày sự khác biệt ra công luận.
Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ
Trong tương lai, Nhà Trắng có thể nhận ra rằng các vấn đề chính trị có thể khiến các nhà lãnh đạo nước ngoài khó đạt đồng thuận với Washington, hoặc khó khăn trong việc đưa quân tham gia các cuộc chiến của Mỹ.
“Chúng tôi có quy tắc bất thành văn trong ngoại giao. Bạn có thể tranh cãi với bạn bè nhưng hãy làm việc đó đằng sau cánh cửa, đừng phơi bày sự khác biệt ra công luận”, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns nói với CNN.
“Đừng làm tình hình khó khăn hơn cho bạn bè, chẳng hạn như thủ tướng Australia, thủ tướng Đức hay tổng thống Mexico”.
Quốc hội vất vả 'chữa cháy' hệ lụy ngoại giao Trump gây raTổng thống Trump chỉ mới nhậm chức hai tuần nhưng các thượng nghị sĩ liên tục bận rộn với những cuộc điện thoại để trấn an nhiều đồng minh quan trọng rằng Mỹ vẫn là bạn của họ. |
EU bất an trước giọng điệu hiếu chiến của Mỹ thời TrumpSau khi thủ tướng Australia nhận cuộc điện thoại "thảm họa" từ Tổng thống Trump, đến lượt EU phải lo lắng về chiến lược của Mỹ đối với khối này. |
phong cách ngoại giao Trump Trump nạt nộ thủ tướng Australia Trump ngoại giao kiểu kinh doanh Trump điện đàm với lãnh đạo các nước
0 nhận xét:
Đăng nhận xét