Các dịch vụ cho thuê nhà sư nở rộ khi nhiều người Nhật ngày càng xa rời các ngôi chùa địa phương nhưng nó cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi về sự thương mại hóa tôn giáo.
Giữa căn phòng nhỏ đầy mùi nhang khói, nhà sư Phật giáo Kaichi Watanabe tụng kinh để kỷ niệm ngày giỗ đầu của một người phụ nữ.
Người đàn ông 41 tuổi có thể trông như một vị chư tăng truyền thống tại Nhật. Tuy nhiên, ông không phải do một ngôi chùa nào đó cử đến.
Ông được gia chủ thuê thông qua dịch vụ thuê nhà sư đang phát triển nhanh chóng. Điều này đã dẫn đến những tranh luận gay gắt về việc thương mại hóa tôn giáo ở quốc gia mà đạo Phật là tôn giáo lớn.
Nhà sư cũng có giá
Nơi Watanabe làm việc, công ty Minrevi tại Tokyo, cho biết nhu cầu đối với dịch vụ thuê nhà sư đến tận nhà đã tăng vọt kể từ khi bắt đầu vào tháng 5/2013.
“Có rất nhiều đền chùa trong khu phố, nhưng tôi không biết nên nhờ nơi nào”, con trai của người phụ nữ đã khuất đề nghị giấu tên chia sẻ. “Ngoài ra, tôi cũng không biết nên cúng bao nhiêu tiền. Nhưng việc này (thuê nhà sư) có hệ thống giá cả rõ ràng".
Nhà sư Watanabe trong một lễ tang tại tỉnh Chiba vào ngày 24/1. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, nhiều người Nhật càng ngày càng xa rời các ngôi chùa địa phương cũng như mất niềm tin về việc bỏ tiền của mình vào hòm công đức.
Chỉ với 1 cú nhấp chuột, khách hàng có thể thuê nhà sư từ Minrevi từ 35.000 yen (300 USD) tùy vào loại lễ.
Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Aeon từng khiến cộng đồng Phật giáo sửng sốt vào năm 2010 khi kèm giá tiền vào dịch vụ giới thiệu khách hàng đến các đền chùa để cử hành tang lễ.
Việc định giá công khai này đi ngược với truyền thống lâu đời tại Nhật, nơi các nhà sư nhận tiền cúng, còn gọi là ofuse, khi họ thực hiện các nghi lễ.
Song những nghi kỵ ngày càng gia tăng khi số tiền cúng tùy thuộc vào phía gia đình. Ngoài ra, họ không chỉ cúng một lần sau đám tang, mà còn tiếp tục cúng đến hơn một thập kỷ sau.
Thương mại hóa tiền cúng
Các đền chùa Phật giáo tại Nhật dựa vào tiền cúng để tu bổ cơ sở vật chất và việc này có thể tốn đến hàng triệu USD. Trong nhiều năm qua, một số nơi bị chỉ trích rằng họ quan tâm đến việc nâng cao "doanh thu" hơn là cung cấp những hướng dẫn tâm linh cho Phật tử.
Chiko Iwagami, thành viên ban điều hành Liên đoàn Phật giáo Nhật Bản, thừa nhận rằng một số nhà sư đã yêu cầu số tiền cụ thể một cách khiếm nhã khi tiến hành các nghi lễ tưởng niệm, gây tổn hại niềm tin của cộng đồng.
“Điều này làm mất đi ý nghĩa của việc cúng bái”, Iwahumi nói. Ông cho rằng các nhà sư lẽ ra không nên mong đợi sự hậu tạ bằng vật chất khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hành động của Aeon khiến Liên đoàn Phật giáo Nhật Bản cảm thấy bị xúc phạm và họ yêu cầu tập đoàn bán lẻ gỡ bỏ bảng giá kia. Tập đoàn này tuân theo nhưng vẫn duy trì dịch vụ của mình.
Đầu năm nay, Liên đoàn Phật giáo Nhật Bản cũng chỉ trích công ty bán lẻ trực tuyến Amazon vì đã đăng tải dịch vụ cho thuê nhà sư của Minrevi.
“Họ đã thương mại hóa tiền cúng. Thật là một điều bất hạnh”, ông Iwagami nói.
Dịch vụ của Minrevi được đăng tải trên website bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, phó chủ tịch Minrevi, Masashi Akita, gạt bỏ những lời chỉ trích, nói rằng công ty chỉ cung cấp một "nền tảng" để kết nối khách hàng với các nhà sư. Ông cho biết công ty có danh sách của khoảng 700 nhà sư trên toàn quốc với doanh thu trên đà tăng trưởng 20% trong năm nay.
Vị lãnh đạo lớn lên ở vùng quê nơi mà hàng xóm của ông thường xuyên đi chùa. Ông nói Minrevi chỉ là một biểu hiện của thời đại.
"Tôi đã bị sốc khi lần đầu tiên biết rằng một số người không biết làm thế nào để liên hệ với một nhà sư", ông nói. "Vì vậy, tôi muốn trở thành chiếc cầu nối đó".
Chính phủ Nhật Bản không quản lý việc gia nhập tôn giáo của công dân. Tuy nhiên, việc tham gia các nghi lễ liên quan đến cả Phật giáo lẫn Thần đạo, hai tôn giáo lớn tại Nhật, phổ biến trên toàn quốc.
Người dân xa rời chùa
Một số công ty cũng mở dịch vụ cung cấp nhà sư Thần đạo. Song, sự kết nối giữa người dân Nhật với tôn giáo tại Nhật đang ngày càng đi xuống.
Khi dân số nhanh chóng già đi và cộng đồng nông thôn nhỏ co lại, khoảng 30% trong 75.000 ngôi chùa Phật giáo tại Nhật có nguy cơ bị đóng cửa vào năm 2040. Đây là khẳng định của giáo sư Kenji Ishii, chuyên gia về tôn giáo tại Đại học Kokugakuin ở Tokyo.
"Người Nhật duy trì mối quan hệ với các đền chùa vì tang lễ và các sự kiện cộng đồng khác, chứ không phải vì lý do tín ngưỡng", ông nói. "Lãnh đạo Phật giáo giờ đây phải suy nghĩ xem họ sẽ điều hành giáo hội của mình như thế nào khi ngân sách giảm đi. Nhưng có vẻ như họ không muốn nhìn vào thực tế".
Phụ nữ Nhật mặc kimono đi viếng chùa. Ảnh: Reuters. |
Nhà sư Watanabe, người thực hiện các dịch vụ gần Tokyo, cho rằng không có sự xung đột giữa hai khía cạnh kinh doanh và tâm linh trong công việc của mình.
"Tôi muốn truyền bá giáo lý của nhà Phật", ông nói.
"Dịch vụ này tạo ra cho chúng tôi nhiều cơ hội đến thăm các hộ gia đình. Tôi nghĩ rằng sẽ là vô nghĩa nếu chúng tôi không thể có mặt để giúp đỡ họ".
Người dân châu Á đi chùa cầu năm mới bình anNhư một truyền thống, đêm giao thừa và ngày đầu năm mới âm lịch, người dân tại nhiều nước châu Á thường đến viếng đền chùa để cầu xin an lành, hạnh phúc. |
Biển người Trung Quốc chen trong hương khói để khấn Thần TàiTheo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, ngày sinh của Thần Tài là dịp để người dân tìm đến những nơi rước vị thần để cúng bái, cầu xin. |
dịch vụ thuê nhà sư tại Nhật nhà sư cho thuê tại Nhật tiền công đức tại Nhật thương mại hóa tôn giáo tại Nhật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét