Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Khánh Ly hát tặng sinh viên như thuở hàn vi

Khánh Ly dung dị, thổn thức và tạo ra tiếng vọng xoáy vào tâm can người mộ điệu trong đêm nhạc dành tặng cho sinh viên với tựa đề “Trịnh Công Sơn - Khánh Ly - Đời cho ta như thế".

Tối ngày 4/4, lần đầu tiên kể từ khi trở về Việt Nam, giọng ca Diễm xưa trở thành nhân vật chính trong một đêm nhạc hoàn toàn miễn phí với mục đích cùng sinh viên tưởng nhớ 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chương trình được tổ chức tại hội trường Đại học Văn hóa Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên đến từ các trường đại học trên thủ đô.

Không gian giản dị, đơn sơ và có phần chật hẹp khiến nhiều sinh viên phải ngồi đất dưới sân trường, trước màn hình máy chiếu trực tiếp. Âm thanh có chỗ bị chệnh, MC nhiều lúc dẫn sai lời nhưng đó mới thực sự là một đêm nhạc của sinh viên như nữ danh ca chia sẻ trước tràng pháo tay không ngớt “Hôm nay, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thuộc về các bạn” và “giọng hát từ sinh viên sẽ trở về với sinh viên”.

Khanh Ly hat tang sinh vien nhu thuo han vi hinh anh 1
Ca sĩ Khánh Ly và MC Hạnh Phúc trong chương trình tối ngày 4/4 tại Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: Lê Quang Đức 

“Tôi không biết phải nói thế nào về thời đó…”

Thời mà Khánh Ly muốn nhắc đến chính là thuở hàn vi của đời bà và Trịnh Công Sơn, khi giọng ca Một cõi đi về còn chưa nổi tiếng và nhạc Trịnh cũng chưa được yêu thích như bây giờ. Khánh Ly được vị nhạc sĩ tài hoa xứ Huế chọn hát nhạc của mình và sau đó, bà tự nguyện đi theo Trịnh mà chính bà cũng không thể lý giải tại sao, có thể vì bà quá đam mê ca hát cũng có thể hai người có mối duyên tiền định nào đó.

“Ngày đó, tôi chỉ hát ở Đà Lạt chứ mấy nơi ở Sài Gòn, có xin người ta cũng không cho mình hát. Tôi thì không biết một nốt nhạc nào cả, hát thì cũng chỉ tàm tạm nhưng may mắn gặp được Trịnh Công Sơn. Ông ấy là thầy dạy hát của tôi mà cũng chẳng phải dạy cao siêu gì đâu, ông ấy hát mẫu 2-3 lần, rồi cứ thế tôi hát theo, ông Sơn bảo được là được. Sau này có người tìm hiểu nhạc Trịnh Công Sơn, bảo tôi hát sai nhạc của ông ấy. Thế nhưng tôi đã sai suốt 50 năm qua rồi và may mắn được mọi người đón nhận” – người được cho là hát nhạc Trịnh thành công nhất khiêm tốn trải lòng.

Trước đông đảo sinh viên Hà Nội, Khánh Ly cho biết thuở hàn vị đó bà hát chẳng có tiền mà cũng không bao giờ nghĩ đến tiền “Nếu ông Trịnh Công Sơn có tiền thì mua một suất cơm hai chúng tôi ăn chung, thế mà vẫn vui vẻ và vẫn đi hát cho học sinh, sinh viên khắp các trường đại học và phổ thông thời đó”. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly từng hẹn ước với nhau rằng sẽ cùng nhau đi khắp mọi miền tổ quốc để hát cho sinh viên nghe như một chuyến du ca dài. Tiếc thay, vì nhiều lý do khác nhau, lời hứa của hai người không thể thực hiện, còn bây giờ thì đã âm dương cách trở.

Đời cho ta như thế có thể được coi là một đêm nhạc nối tiếp chuyến du ca còn dang dở của Trịnh và Mai (tên thường gọi của Khánh Ly). Khánh Ly là người ở lại và dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” bà vẫn được sinh viên chờ đợi và đón nhận, như vừa mới hôm qua thời bà đi chân đất hát với đầy sự ngô nghê của tuổi trẻ.

Khanh Ly hat tang sinh vien nhu thuo han vi hinh anh 2
Trong đêm nhạc Khánh Ly hát nhiều ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như: Diễm xưa, Hạ trắng, Ngẫu nhiên, Còn tuổi nào cho em, Nắng thủy tinh,... Ảnh: Lê Quang Đức

Khánh Ly bảo thuở hàn vi là thế nhưng mỗi lần nhớ lại bà đều cảm thấy hạnh phúc. “Ngay việc đứng trên sân khấu hát cho sinh viên nghe ngày hôm nay, có lẽ người phải cảm ơn không phải là các em mà chính là tôi. Nhờ bình minh, thanh xuân và sự trẻ trung của các em mà tôi thấy mình như sống lại những năm tháng thuở trước. Tôi 72 tuổi rồi mà trước các em, tôi nghĩ mình chỉ 27 tuổi thôi” - giọng ca sinh năm 1945 hóm hỉnh chia sẻ, cả khán phòng phần đông là sinh viên bật cười hướng mắt về phía sân khấu nơi có một giọng hát liêu trai dung dị, cả đời chỉ làm hai việc là hát và sống tử tế.

Tiếng vọng xoáy vào tâm can người mộ điệu

Khánh Ly hát tất cả 10 ca khúc trong đêm diễn và chỉ nghỉ duy nhất một lần, điều mà không phải ca sĩ nào ở lứa tuổi của bà cũng làm được. Có những khoảnh khắc mồ hôi của nữ ca sĩ vã ra như tắm, bà đưa khăn giấy lên lau, sau đó lại tiếp tục hát và kể chuyện như không muốn có bất cứ khoảng trống chờ đợi nào từ phía khán giả.

Giọng ca Ngẫu nhiên bảo hôm qua tôi biết tôi làm gì, tối nay tôi biết tôi ở cùng các bạn nhưng ngày mai thì tôi không biết mình sẽ ra sao. Nếu phải trở về với Trịnh tôi chỉ hy vọng rằng bản thân cũng lưu lại một chút gì đó trong tâm hồn của mọi người, điều mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm được. Tiếp sau chia sẻ đó, Khánh Ly đặt câu hỏi với cả khán phòng “Có ai biết câu hát ngàn cây thắp nến hai hàng có nghĩa là gì không?”, ngay sau đó bà trả lời rằng bà cũng không biết cho đến khi một lần trực tiếp nhìn thấy mặt trời chiếu thẳng xuống sắc vàng của lá cây trong một chiều mùa thu thật đẹp.

“Tôi yêu mùa thu Hà Nội lắm, khung cảnh đó chỉ có ở mùa thu nơi này thôi, nếu từ giờ cho đến mùa thu tôi chưa đi theo ông Trịnh Công Sơn thì tôi sẽ trở lại và hát cho mọi người, lúc đó hãy đón nhận và đừng chê tôi nhé” – ngay sau chia sẻ của Khánh Ly, khán giả đồng loạt vỗ tay như một lời ủng hộ và khẳng định sẽ chờ đợi cho sự trở về của nữ danh ca vào sắc thu Hà Nội.

Khanh Ly hat tang sinh vien nhu thuo han vi hinh anh 3
Trong chương trình, Khánh Ly dành tặng xuất học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Lê Quang Đức

Đời cho ta như thế là một chương trình nghệ thuật để lại nhiều dư vị, không hẳn vì đây là một đêm nhạc dành cho sinh viên mà quan trọng hơn thế là Khánh Ly đã tạo ra những tiếng vọng xoáy sâu vào tâm can những người mộ điệu, những người yêu nhạc Trịnh, đặc biệt là giới sinh viên. Khoảng cảnh thế hệ dường như được rút ngắn lại, những bạn trẻ đôi mươi dễ dàng đồng cảm và bị chinh phục bởi giọng hát giàu tự sự và chất chứa tình người, tình yêu, tình quê hương của người phụ nữ đã sống qua hai thế kỷ và cất tiếng hát suốt 50 năm qua.

Đêm diễn kết thúc với ca khúc Nối vòng tay lớn qua phần hòa giọng của Khánh Ly và toàn bộ sinh viên tại hội trường. Khánh Ly xuống tận phía dưới sân khấu ôm trầm sinh viên và chủ động chụp ảnh với nhiều người. Những hàng dài khán giả sau đó xếp hàng để đợi được chụp ảnh và xin chữ ký với người hát rong mộc mạc. Khánh Ly không từ chối ai dù bà đã mệt và mồ hôi ướt đầm vai áo. Bà liên tiếp hỏi những người xung quanh “các em đã chụp ảnh với tôi chưa?”, miệng không quên nở nụ cười như đóa Quỳnh hương Trịnh Công Sơn viết “quỳnh thơm hay môi em thơm…”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét