“Việc vẽ bậy lên di tích lịch sử là do nhận thức còn hạn hẹp, chúng ta không nên quy chụp họ thiếu văn hóa” - nhà báo Minh Trí bày tỏ.
Sau khi chứng kiến nhiều bạn trẻ vô tư dùng bút xóa, vật nhọn viết tên, khắc chữ trên bia đá núi Bài Thơ, một nhóm gồm hơn 10 người đã kêu gọi xóa chữ bẩn, gom rác khôi phục hiện trạng cho di tích này.
Hành động trên nhanh chóng được cộng đồng mạng ủng hộ. Bên cạnh đó, câu chuyện thiếu ý thức, cư xử không đúng mực của giới trẻ tại nơi đền chùa, di tích lịch sử một lần nữa được đưa ra bàn luận.
Vẽ bậy lên di tích “như một thói quen”
Dùng bút xóa vẽ bậy lên bia đá di tích, ăn mặc không đúng mực tới đền chùa, vô tư xả rác bừa bãi nơi công cộng... là những hình ảnh không khó bắt gặp tại những điểm tham quan, du lịch hiện nay.
Những ngày đầu tháng 3, anh TrầnVăn Long (33 tuổi, quê Quảng Ninh) bắt gặp nhiều bạn vô tư ghi tên lên bia đá trên núi Bài Thơ thuộc địa bàn TP Hạ Long. Anh Long chia sẻ, chứng kiến hành động này khiến anh cảm thấy rất buồn vì sự thiếu ý thức của người trẻ.
Một số bạn trẻ không ngần ngại dùng bút xóa vẽ lên di tích trên núi Bài Thơ. Ảnh: Trần Văn Long. |
Đầu tháng 8/2015, hình ảnh cột mốc đỉnh Fansipan đầy chữ viết được nhiều diễn đàn chia sẻ. Theo đó, một thành viên trong nhóm phượt lên đây đã thản nhiên vẽ bậy, khiến dân mạng bất bình.
"Những hành vi xấu ảnh hưởng các di tích hoặc bôi nhọ danh dự người khác cần phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ, như vậy mới có tính răn đe" - N.M chia sẻ.
Không ít người cũng gặp phải những trường hợp tương tự anh Long lên tiếng ngán ngẩm.
Thành viên Son Cuong chia sẻ: “Tôi nản nhất đi chùa Cổ Lễ các đồng chí ạ. Có cái gác ba tầng thì chi chít chữ, ngay cả trong lòng cái chuông treo đỉnh tầng ba, mấy bạn trẻ cũng chui vào đó vẽ được”.
“Nhiều người còn khắc tên nhau vào mấy cây đào tiên ở chùa Bái Đính khiến quả bị héo. Mình cũng không hiểu tại sao các bạn ấy lại có hành động như vậy nữa” - nickname Tung Thanh Nguyen nói.
Đỉnh Fansipan và bia đá tại chùa Thầy bị vẽ bẩn. Ảnh: Hà Nguyễn, Nguyễn Minh. |
Nhận thức chưa đầy đủ
Bên cạnh các bình luận lên án, một số dân mạng cho rằng, mọi người không nên quá khắt khe với những hành động trên. Việc cần làm là đưa ra biện pháp làm thay đổi tư duy, nhận thức của giới trẻ.
Thành viên Nguyễn Thuận bày tỏ: “Lúc còn nhỏ, mình cũng như vậy. Thấy mọi người ai cũng lấy bút xóa viết, nên mình ghi theo. Khi lớn lên, mình mới ý thức được việc đó là sai.
Ngày ấy, Internet chưa phát triển rộng rãi như bây giờ. Do đó, việc nhận thức và tuyên truyền khó khăn hơn”.
Chia sẻ quan điểm, nhà báo Hoàng Minh Trí cho biết: “Các bạn không nên quá nặng nề về vấn đề này. Đừng vội quy chụp cho những bạn trẻ đó là thiếu văn hóa hay vô ý thức”.
Theo anh Minh Trí, vấn đề tập trung ở đây là sự thiếu sót về mặt nhận thức, không phải thiếu văn hóa. Một số người hành động như vậy giống như bản năng, bởi họ không được chỉ bảo tốt, chưa được nhận thức đầy đủ về văn minh, lịch sự.
Nhóm bạn trẻ xóa sạch chữ bẩn ở bia đá trên núi Bài Thơ. Ảnh: Trần Văn Long. |
“Chúng ta có thể dùng mạng xã hội để tuyên truyền, có thể lên án nhưng không miệt thị. Câu chuyện về nhóm bạn trẻ làm sạch di tích cũng là hình thức kêu gọi, mang lại hiệu quả tốt trong việc giáo dục lại nhận thức cho ai còn thiếu sót” - nam nhà báo bày tỏ.
Tuy nhiên, anh cho biết, để tránh gây hậu quả theo hướng “nhiệt tình, thiếu hiểu biết”, giới trẻ có ý tốt nên hỏi ý kiến các chuyên gia trước khi hành động để tránh làm tổn hại đến những di tích có giá trị lịch sử.
Nhóm bạn trẻ lau sạch vết vẽ bậy trên bia đá núi Bài ThơChứng kiến bia đá lịch sử trên núi Bài Thơ bị vẽ bẩn, một nhóm 10 người đã quyết định xóa chữ, gom rác nhằm mang lại hiện trạng ban đầu cho di tích này. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét