Nhiều người trẻ hiện nay sống thiếu định hướng, vô nghĩa, thích làm giàu mà không cần nỗ lực. Trước khi trách họ, hãy hỏi thầy cô, cha mẹ đã dạy con mình những điều này chưa?
Trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, tôi vẫn luôn tò mò, háo hức gặp các bạn trẻ. Họ là thế hệ mới sẽ tiếp quản đất nước này từ thế hệ đi trước.
Tôi muốn hiểu họ nghĩ gì, yêu gì, ghét gì, quan tâm đến vấn đề gì... Qua nói chuyện với các bạn, tôi hình dung ra được bức tranh về giới trẻ ngày hôm nay.
Qua tiếp xúc, tôi thấy giới trẻ hiện nay có thể chia làm ba nhóm:
- Nhóm xuất sắc. Họ làm tôi khâm phục về trí tuệ, kiến thức, tinh thần cầu tiến và sự tự tin. Họ sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng tranh luận. Nói chuyện với họ rất thú vị vì họ có tư duy logic.
- Nhóm trung bình, chiếm đa số. Họ học hành tạm được, nền tảng gia đình tốt. Họ hài lòng với những gì mình đang có, không quan tâm tìm hiểu kiến thức mới ngoài thứ đã học được ở trường và chỗ làm việc. Đặc biệt, họ bàng quan với thời cuộc.
- Nhóm yếu kém, rất ít, nhưng đáng sợ vì họ rất ghét học. Không chỉ mù mờ giữa thời đại phát triển thông tin, họ thậm chí còn không biết bản thân muốn cái gì. Với các bạn này, thái độ sống là cứ yên tâm ở nhà, đã có ba mẹ lo.
Cá nhân tôi rất thích sinh viên mới ra trường. Các bạn như trang giấy trắng, hào hứng viết những nét chữ đầu tiên. Các bạn làm tôi nhớ lại tuổi trẻ hừng hực của mình. Các bạn có thể thiếu kinh nghiệm, nhưng học hỏi và tiến bộ nhanh hơn.
Các bạn từng đi làm thì khá hơn về kinh nghiệm, nhưng bạn nào có thái độ tiêu cực về chỗ làm cũ, hoặc nhảy việc quá nhiều, đều tạo cho tôi cảm giác thiếu tin tưởng.
Công ty nào cũng cần người giỏi. Bạn nhảy việc nhiều chứng tỏ công ty không thiết tha giữ bạn. Chắc chắn nếu không có vấn đề về năng lực thì cũng có thái độ kỷ luật hoặc tinh thần trách nhiệm của bạn không tốt.
Còn với tôi, dù trí nhớ không tốt, tôi luôn nhớ những người để lại ấn tượng trong mình. Tôi sẽ giữ các bạn xuất sắc ngay, vì đó là vốn quý không chỉ của công ty mà của cả xã hội!
Hôm nay, tôi phỏng vấn mấy bạn trẻ đi xin việc. Ai cũng chỉ ở lứa tuổi đôi mươi. Có hai bạn nam gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất. Cả hai đều tốt nghiệp phổ thông, không học đại học.
Họ đang đi tìm việc. Nhưng khi tôi hỏi các bạn muốn đạt được điều gì sau này, họ trả lời ước mơ có dự án kinh doanh riêng.
Tôi hỏi họ làm gì khi có thời gian rảnh, họ cho biết đi uống cà phê với bạn bè, nghe nhạc hoặc lên Facebook chơi. Họ không xem sách vì đọc thì ngán, họ không xem phim vì không có nhu cầu, họ không đi học vì không thích.
Chị Thiên Hương cho rằng, bên cạnh số ít bạn trẻ ý thức rõ bản thân cần gì, rất nhiều người còn đang mơ hồ trên hành trình đi tìm sự nghiệp. Ảnh: FBNV. |
Nhìn vào cách giải trí, tôi có thể đánh giá được trình độ và thái độ sống của hai chàng trai này. Tôi không tuyển dụng bất cứ bạn nào không có hình thức giải trí tích cực.
Có nhiều hình thức giải trí như đọc sách, nghe nhạc, xem phim, đi du lịch, chơi thể thao, mua sắm, tụ tập bè bạn... Giải trí không đơn thuần là thư giãn, mà còn cung cấp kiến thức và vốn sống cho con người.
Ai cũng cần giải trí. Nhưng giải trí theo cách nào để khiến bản thân vừa thư giãn, vừa phát triển tốt hơn, chứ đừng chạy đua những thứ vô bổ, đẩy bản thân đi lùi thời đại.
Trở lại câu chuyện của ngày hôm nay, tôi tiếp tục thắc mắc rằng, phải chăng ở lứa tuổi 23-24, cha mẹ họ vẫn đang nuôi? Trong hai chàng trai này, một bạn mới bỏ công việc thu ngân ở một chuỗi siêu thị lớn sau ba tháng làm việc, vì "áp lực quá, mệt quá". Người kia thì rơm rớm vì không biết vì sao đi xin việc hoài không được...
Một hồi, tôi bực bội. Vì sao bạn sống không có chút lý tưởng hay kế hoạch gì cho cuộc đời vậy? Vì sao bạn có thể nhạt nhẽo, nông cạn, vô dụng như vậy?
Bạn chưa từng tự hỏi bạn sinh ra đời này để làm gì à? Bạn dốt nát, hời hợt như vậy, ai sẽ nhận bạn vào làm? Bạn không có chút kiến thức nào, gia đình có cho bao nhiêu tiền kinh doanh thì cũng phá tan hết...
Rồi tôi xin lỗi vì nổi nóng với họ. Tôi bảo họ tôi không có trách nhiệm dạy dỗ họ, nhưng vẫn mong những lời tôi nói sẽ giúp được chút nào đó cho họ sau này.
Cả hai đều rất kinh ngạc khi bị tôi chất vấn. Họ thú thật họ chưa từng trải qua cuộc phỏng vấn nào "kỳ lạ" như vậy! Chưa ai từng nói với họ những điều tôi nói. Tiễn họ về, tôi cảm thấy thật buồn.
Tại sao cha mẹ, thầy cô không bao giờ nói với họ về ý nghĩa cuộc sống, lý tưởng, trách nhiệm...? Không thể trách các bạn. Chính người lớn có lỗi trong việc sinh ra những đứa trẻ thiếu định hướng, sống vô nghĩa, thích làm giàu mà không cần nhiều nỗ lực. Tương lai của những bạn trẻ như vậy sẽ ra sao?
Thế hệ của tôi sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, nên quen với cuộc sống nghèo khổ và luôn phải bươn chải. Chúng tôi được gia đình, nhà trường dạy dỗ rất kỹ về lý tưởng sống, ý thức kỷ luật, trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến.
Trước khi đất nước mở cửa những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi thậm chí còn không có sách để đọc, không có việc tốt để làm nên chúng tôi rất quý kiến thức và cơ hội học hỏi, cơ hội cống hiến.
Nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc truyền lại lửa nhiệt tình này cho con cái. Con cái của những người này thường sẽ được tôi xếp vào nhóm "xuất sắc" và họ sẽ tiến rất xa trong tương lai.
Nhưng nói chung, số đông các bậc cha mẹ Việt chỉ quan tâm đến kiếm sống và cho con cuộc sống đủ đầy. Họ hiếm khi có thời gian nói chuyện nghiêm túc với con.
Văn hóa người Việt cũng không khuyến khích sự trao đổi hai chiều giữa các thế hệ. Nhiều người lại nuông chiều con thái quá. Tất cả điều này sẽ tạo ra các bạn trẻ thờ ơ với vấn đề xã hội, thậm chí vô cảm, chỉ biết mình.
Có lẽ chính gia đình, nhà trường cần chủ động thay đổi cách nuôi, cách dạy để giúp các bạn trẻ có lý tưởng, có định hướng tốt hơn cho cuộc sống của mình, trở nên thành công trong tương lai.
Xuống đi, các bạn trẻ đang 'ngồi trên nóc tủ'Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch Công ty NBN Media - chia sẻ: "Có câu đùa mà giờ ai cũng biết: “Hãy theo đuổi đam mê. Nợ nần sẽ đeo đuổi bạn". |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét