Có vẻ như thị trường điện ảnh trong nước hiện nay đang cổ xúy cái “ác”, lấn át cái “thiện”.
Phan Đăng Di, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Hoàng Điệp,… là những cái tên gần đây đang được báo chí ca ngợi với những tác phẩm gây sốt, thu hút nhiều khán giả trẻ đến rạp. Họ là những gương mặt trẻ đáng chú ý của làng điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, tôi lại thấy họ vẫn chưa thực sự mang lại nhiều đột phá so với các thế hệ trước đó.
Cổ xúy cái “ác”, lấn át cái “thiện”
Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, việc phản ánh các tệ nạn xã hội trong phim ảnh đã trở nên phổ biến và phức tạp hơn vào thời điểm hiện nay. Sau Gái nhảy (2003) của Lê Hoàng, phim Việt xuất hiện trào lưu đưa cái “xấu” lên màn ảnh với mục đích phê phán.
Nhưng theo thời gian, nó dần thoái hóa và trở thành những hình thức câu khách rẻ tiền. Và nay, người ta nô nức đi xem những bộ phim được cho là “hot”, có nhiều cảnh nóng, bạo lực như Đẻ mướn (2005), Hot boy nổi loạn (2011), Đường đua (2013), Hương ga (2014)… Vì thế, thị trường phim ảnh Việt Nam tràn ngập những pha hành động quay chậm bắt chước phim “tây”, những cuộc thanh toán giang hồ nảy lửa súng đạn và đâm chém khát máu, những tên tội phạm được lên ngôi anh hùng…
Không chỉ thế, nhiều phim Việt bây giờ ưa chuộng cái hài. Một người đạo diễn giỏi thường mượn cái hài để điều tiết không khí của câu chuyện. Nhưng dùng cái hài để lấp đi sự bạo liệt của bạo lực hay tình dục lại khiến khán giả xem thường chúng, quen với chúng. Có vẻ như thị trường điện ảnh trong nước hiện nay đang cổ xúy cái “ác”, lấn át cái “thiện”. Các nhà làm phim, nhất là các đạo diễn trẻ, đã mất phương hướng trong dòng chảy của điện ảnh thị trường đương đại.
Khi nhìn lại một chặng đường đã qua, tôi nhận ra, có những người làm phim ở nước ta đều mắc phải một sai lầm chung, đó là quá “lạm” tình dục. Cả Vũ Ngọc Đãng, Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp đều khai thác chung mảng đề tài tâm lý xã hội. Dù dưới góc nhìn khác nhau, nhưng mô-típ phim tâm lý thì như một. Thế giới trong phim là hình ảnh về xã hội đầy méo mó, xấu xí và luôn mang một bầu không khí khó thở của sự khốn khổ. Người sống trong phim bị đè nén, chèn ép, đắm mình vào tình dục như không còn con đường nào khác để tìm thấy sự giải thoát.
Một cảnh trong phim “Đập cánh giữa không trung”. Ảnh: T.L |
Gần đây nhất, khi đề tài “đồng tính” nổi lên, thì sự trần trụi về xác thịt càng bộc lộ mạnh mẽ hơn, “tính dục” hơn. Hiện tượng ấy bị chi phối bởi những quan niệm làm phim sai lầm. Không phải cứ đề tài tâm lý xã hội là phải có “sex”. Cũng đừng nên gán đề tài “đồng tính” với “sex”, bởi lẽ chính các đạo diễn đang hạ thấp cái nhìn khách quan về những người đồng tính trong xã hội. Bản thân “sex” cũng cần được tôn trọng như cái đẹp trong “chân, thiện, mỹ”, cũng như sự tôn trọng từ người làm phim đối với khán giả.
“Góc tối” gia đình
Đối mặt với sự hiện đại hóa và toàn cầu hóa trên toàn thế giới, bản sắc dân tộc Việt Nam đang trước nguy cơ bị thôn tính từ những nền văn hóa ngoại. Với điện ảnh cũng vậy. Phim Việt đang có xu thế phản ánh những nếp sống hiện đại mang đậm chất văn minh phương Tây. Chuyện phim thường xoay quanh cuộc sống cá nhân hơn là cuộc sống gia đình. Hình ảnh gia đình trên màn ảnh thường bị hủy hoại do sự vô tâm của những người đàn ông như trong Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di hay Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp. Điều này đã trở thành công thức chung trong việc xây dựng kịch bản phim truyện ở nước ta.
Trước ảnh hưởng của phim nước ngoài và các phim bom tấn của Mỹ, các nhà làm phim chỉ mới rập khuôn bề ngoài văn hóa ngoại mà chưa hiểu sâu về mối quan hệ gia đình. Trong mọi hình thái xã hội, gia đình là cái nôi của con người. Mái ấm gia đình rất quan trọng trong tâm thức người Việt Nam. Ở thời đại hiện nay, gia đình càng đóng vai trò thiết yếu như cái neo vô hình của mỗi con người trước sóng gió của xã hội. Và gia đình không chỉ là nơi trú ngụ, đi về mà chính là tổ ấm, là không gian ấm áp nhất, an toàn nhất. Ngược lại, con người cũng sẽ vun đắp những gì tốt đẹp nhất cho mái ấm của riêng mình. Nhưng nhân vật trong phim của các đạo diễn Việt kể trên lại luôn muốn bỏ nhà ra đi, nhiều khi về nhà chỉ để trút giận vào người thân. Sự đổ vỡ mô hình gia đình truyền thống và cái mô hình hiện đại cần hướng tới còn chưa thấy đâu hay chỉ là mờ mờ nhân ảnh…
Đó cũng là nguyên do vì sao người ta cảm thấy có những bộ phim Việt đang thiếu mất cái triết lý sống, chưa mang tính logic hay vẫn còn khó tiếp nhận đối với quần chúng nhân dân. Không phải vì phim mang đậm tính nghệ thuật hoặc nội dung phim quá phức tạp, mà bởi ý nghĩa bộ phim chưa đạt được giá trị căn bản của tính nhân bản bên cạnh những quan niệm về loại hình nghệ thuật thứ bảy.
Theo Nhà phê bình Bùi Trí Hiếu/Lao Động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét