Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Hành trình gian nan đưa con đi khám tâm lý

Trước câu chuyện chờ nhiều ngày mới được khám tâm lý, chúng tôi cũng nhận được những chia sẻ của các phụ huynh đã khó khăn thế nào mới có một suất khám cho con.

Ai cũng mong con khỏe mạnh, phát triển bình thường, nên không may con có biểu hiện bất thường, các cha mẹ lại đứng ngồi không yên. Và để tìm giải pháp, họ đưa con đến đi khám tâm lý. 

Hành trình gian nan đưa con đi khám tâm lý

Chuyên viên Phùng Thị Lụa, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) khám tâm lý cho bệnh nhi. Ảnh: Tự Trung.

4h, anh Ng.V.T, 32 tuổi (H. Tam Nông, Đồng Tháp) bồng đứa con trai ngồi lẫn vào dòng người chờ nhận số đăng ký khám bệnh tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng I (TP HCM). Hai cha con anh đi từ 12h khuya để đến TP HCM. Đứa bé ngái ngủ nằm gục trên vai cha. Ngồi với anh T. còn có khoảng 30 cha mẹ khác đến từ sớm ngồi chờ nhận số khám tâm lý cho con. Có người ở tận các tỉnh miền Tây, miền Trung.

6hg, bệnh viện phát số, riêng phòng khám tâm lý chỉ phát 20 số. Hơn mười người không có số phải quay về chờ ngày sau đến khám. Con trai anh T. đã 3 tuổi nhưng mới chỉ biết ậm ự gọi những tiếng không thành lời.

Hằng ngày bé lầm lì chơi một mình, không để ý đến tiếng gọi kêu, trêu đùa của người xung quanh. Ban đầu quan sát thấy con như vậy, anh T dọn sân vườn, tráng bê tông thành một sân chơi mini cho trẻ con trong xóm đến chơi cùng bé. Anh còn mua kẹo bánh “dụ” để nhiều bé đến chơi. Ngày nào nhà anh T. cũng chật kín trẻ con.

Tuy nhiên gần một năm, bé vẫn cô lập. Mặc cho các bé trong xóm chạy nhảy, chơi đùa, con anh chỉ thích chơi riêng. Hơi lo lắng, anh T. đưa con lên TP.HCM khám tâm lý. Tuần trước, anh đưa con lên bệnh viện nhưng không có số nên phải quay về. Rút kinh nghiệm lần này anh đi từ sáng sớm. “Thấy con người ta nói rành rẽ, còn mình không ơi hới gì nóng ruột không yên. Vợ chồng tui cả buồn, cả lo mới đưa bé đi khám”, anh T. nói.

Ngoài ghế chờ trước phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng I nhiều người nóng ruột chờ đến lượt khám cho con. Các bé đến khám đa phần độ tuổi từ 1-6 tuổi, với đủ thứ triệu chứng “bất thường”. Có bé chậm nói, ù lì, bé thì quá dạn người, nghịch ngợm... Đông nhất là trẻ bị bị chậm nói.

Anh L.Nh.Ph (Xuân Lộc, Đồng Nai) ẵm con trai hai tuổi ngồi chờ lượt khám. Ngồi một lúc, bé chán khóc to, đòi cha thả xuống đất. Anh Ph. phải để xuống bé mới chịu nín. Nhìn theo con, anh Ph. thở dài, cho biết ở nhà bé chỉ làm theo ý mình. Suốt ngày lủi thủi, quanh quẩn chơi một mình trong nhà, hết đi lên lại đi xuống cầu thang. Người nhà cùng chơi, hay kêu gọi bé đều ngó lơ.

Nghĩ cho bé đến lớp sẽ cải thiện nên anh xin cho con đi học. Đến lớp bé lại trở nên nghịch ngợm, thường xuyên tranh giành đồ chơi của bạn, nghịch bàn ghế, chạy nhảy khắp nơi. Vào học một tuần cô giáo không giữ được phải trả về nhà. “tui làm đủ cách nhưng thấy con càng ngày càng lạ. Nghe báo đài nói nhiều mấy chuyện tâm lý nên cũng lo, chẳng biết có bị sao không…”, anh Ph. lo lắng.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), dù mới là ngày đầu tuần, bác sĩ ở khoa tâm lý của bệnh viện báo lịch khám đã kín cả tuần. Cha mẹ muốn khám phải đăng ký sang tuần sau. Bác sĩ này cho biết bệnh tâm lý khác với các bệnh khác, để khám cho trẻ bác sĩ phải mất 45-60 phút, nhiều trường hợp mất cả 2 giờ đồng hồ.

Ngày 15/3, chị L.T.N.H, 36 tuổi (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đưa con trai 5 tuổi lên khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng không có số phải quay về. Khi 2 tuổi, con trai chị ngủ giật bắn mình, đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tăng động. Lên năm tuổi, con chị trở nên nghịch ngợm, phá phách. Dù bé nói chuyện, phát triển bình thường, chị H. vẫn đưa con đi khám.

Và khi tìm được một suất cho con vào khám tâm lý, nhiều người làm cha làm mẹ ấy lại bắt đầu một hành trình khác...

Làm bạn, trở thành giáo viên của con

Sau khi khám, được bác sĩ tư vấn, nhiều phụ huynh bắt đầu quan tâm, gần gũi với con hơn. Có người còn đi học lớp kỹ năng dạy trẻ tự kỹ để về dạy cho con. Chị Ph.T.Ng, 32 tuổi (Q.2, TP HCM) tự học lớp để về dạy cho con. Con gái chị Ng năm nay 5 tuổi. Lúc 2 tuổi đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn phát triển lan tỏa. Sau đó chị đi học kỹ năng chơi với trẻ do Bệnh viện Nhi Đồng I mở. 

Ba năm qua, chị trở thành cô giáo, chỉ bày cho con học nói, học chơi các trò chơi. Chị Ng, chia sẻ để dạy con chị phải mua rất nhiều đồ chơi, nhất là các đồ chơi về trí tuệ, đòi hỏi sự tập trung cao của bé. Cứ 3 hoặc 6 tháng chị đưa bé đi tái khám để kiểm tra tình trạng bệnh và lên chương trình học 3-6 tháng tiếp theo cho bé. Sau đó chị lại theo chương trình để dạy cho con. 

Còn chị D.Th.L., 35 tuổi (Q.8, TP HCM) còn thuê giáo viên trường chuyên biệt về dạy cho con. Chị L. kể dù là con gái nhưng bé nhà chị rất nghịch, đánh bạn. Đi nhà trẻ ở đâu cũng được một thời gian cô giáo ở đều trả lại. 

Để yên tâm, chị L. thuê thêm cô giáo ở trường chuyên biệt về dạy cho con. Cô giáo chủ yếu dạy cho bé các bài học chào hỏi, tập nói, bắt chước tiếng kêu các loại động, hướng dẫn bé chơi trò chơi... “nhờ cả cô và mẹ dạy nên bé cũng đỡ hơn nhiều”, chị L. chia sẻ.

Cách nhận biết trẻ tăng động

Hội chứng tăng động giảm chú ý là một rối loạn có tính chất tâm lý dễ gặp. Ngày nay tỷ lệ trẻ bị tăng động khá cao.


Theo Tiến Long / Báo Tuổi Trẻ

(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét