Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Con cừu của Panurge!

Sau bài viết “Làm chính trị là phải cool", mở màn cho diễn đàn “Giới trẻ có quan tâm đến thời cuộc”, đông đảo bạn đọc đã gửi các ý kiến tham gia.

Nhà văn Pháp Rabelais có một câu chuyện như thế này. Trên một con thuyền, một anh nông dân nghèo tên Panurge cứ bị một ông bá hộ khoe giàu, tức quá bèn nghĩ kế trả thù.

Thuyền đang giữa biển, Panurge nài nỉ mua cho bằng được một con cừu thuộc giống quý giá của ông bá hộ. Mua xong, Panurge lôi con cừu ra mũi tàu khiến nó kêu be be, cả bầy cùng be be và nhón cẳng; cuối cùng Panurge dùng hết sức bình sinh kéo nó xuống biển trong tiếng kêu be be thất thanh của con cừu. Thế là cả bầy cừu cũng be be nhảy theo con cừu kia...!

Con cừu của Panurge!

Ngoài hâm mộ nhạc Hàn Quốc các bạn trẻ cũng quan tâm những vấn đề của thời cuộc?

Từ đó cụm từ “con cừu của Panurge” dùng để chỉ những người cứ theo đuổi số đông nói gì làm nấy, chẳng suy nghĩ gì.

Câu chuyện trên được dạy rất sớm từ cấp 2 ở chương trình Pháp tại miền Nam trước đây; lên đến lớp 10 học lại một lần nữa sâu hơn, như một nhắc nhở hãy tự mình cân nhắc suy nghĩ, đừng a dua.

Có rất nhiều bài khóa kiểu như thế trong chương trình môn văn, cung cấp nền tảng cho sự suy luận. Có những bài văn về “hai cái vô cực” của nhà toán học đồng thời là triết gia Pascal thế kỷ 17, vỡ lòng cho học sinh một cách nhìn - và - thấy thế giới từ những cái bao la đến những cái thật nhỏ: “Cuối cùng thì con người là gì trong thiên nhiên?

Một cái hư không so với vô cực, một cái toàn thể so với cái hư không, một cái chiết trung giữa không có gì và tất cả”. Đó không phải là một sự chơi chữ mà là một cách nhìn.

Hoặc bài thơ Chức năng của nhà thơ của Victor Hugo: Vô phước cho kẻ nào bỏ đi khi dân tình nhốn nháo... Nhà thơ, trong những ngày khốn khổ, đến để chuẩn bị cho những ngày tốt đẹp hơn...”.

Học trò, trước hết, đồng cảm với tác giả đã, rồi sau đó tự lĩnh hội các ý trong bài tạo thành một tập hợp những mệnh đề cho cuộc sống. Không chỉ học văn Tây, mà còn học cả văn ta. Những bài thơ như Hàn nho phong vị phú vẫn cứ là kim chỉ nam đạo đức.

Nhân cách hình thành lần hồi cùng với tư duy phân tích, phê phán và sự khát khao tự tìm ra câu trả lời. Tự hun đúc lấy chính kiến của mình, chính kiến trong ý nghĩa nhìn (kiến) cho trúng (chính) bằng “đôi mắt” của mình.

Các môn học khác cũng thế, không nhằm nhét vào những kiến thức mà thôi cùng những đáp án có sẵn. Thậm chí tính từ 0,5 điểm cho ý này hay ý kia! Có lẽ đây chính là khác biệt cơ bản giữa cái học ngày nay và ngày xưa.

Khi tất cả đều đã có sẵn câu trả lời và chỉ một mà thôi, sẽ không có chỗ cho tư duy phê phán (không phải trong ý nghĩa “đấu đá” mà là suy xét đúng/sai), từ đó sẽ gián tiếp làm các thùy não dành cho sự tìm hiểu, quan sát bớt hoạt động, các thùy não dành cho trí nhớ sẽ phát triển hơn...

Học xong, ra đời sẽ cứ như thế khi mọi việc đều đã được ấn định cả rồi, mà đầu tiên là phải nhìn nhận, suy nghĩ như thế và chỉ như thế.

Quan tâm hay không quan tâm đến cuộc đời, những gì xung quanh đến những việc đại sự, đòi hỏi một nền tảng giáo dục sự quan sát để tự tìm ra những khác biệt chứ không phải để cùng “trả bài”. Chính sự “trả bài” đã tạo ra sức trì, cản không cho thấy chuyện của ta, quanh ta, từ cá nhân đến cơ sở, tổ chức và lớn hơn nữa là thế sự, đất nước, dân tộc...

Giới trẻ không lơ là với thời cuộc

Không đặt hết trọng trách lên vai tổ chức Đoàn nhưng với chức năng, nhiệm vụ, với đặc thù “cận kề” giới trẻ..., Đoàn phải làm tốt hơn nữa vai trò, vị thế (cả lợi thế) của mình trong việc hình thành nhân cách, lối sống cho giới trẻ. Có lẽ Đoàn nên giảm bớt tính “vui chơi” mà sâu lắng hơn, kỳ vọng hơn vào một thế hệ người trẻ tiến bộ.

Cần xem việc giáo dục tư tưởng, lối sống cho giới trẻ là trọng tâm, là ý nghĩa chính trị then chốt của tổ chức Đoàn. Không chỉ dẫn dắt người trẻ đến với cộng đồng mà còn phải đến với truyền thống, với lịch sử, với lòng yêu nước, dựng xây hào hùng của thế hệ cha ông; đến với những bài học thiết thực về tình người, tôn vinh cái đẹp, nghĩa cử cao quý... từ khắp mọi nơi trên quả địa cầu này.

Hay cụ thể hơn là phát động những chương trình, cuộc thi tầm quốc gia dành cho giới trẻ để họ nói lên những suy nghĩ, cảm nhận, những mối bận tâm, những mong muốn, hoài bão về xã hội, đất nước, con người mà họ đang chịu tác động và có trách nhiệm.

Tôi tin giới trẻ không lơ là với thời cuộc.

Giới trẻ có quan tâm đến thời cuộc?

Trong Tháng thanh niên 2016, một khảo sát đã được thực hiện với 300 bạn trẻ thuộc nhiều ngành, nghề khác nhau.

Theo Thiên Di/Tuổi Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét