Thủy Anh quan niệm, em bé có ý thức ngay từ trong bụng mẹ nên rèn càng sớm càng tốt. Ngay khi con trai thứ hai lọt lòng, cô đã dậy cho bé tính tự lập, không đòi ẵm bế.
Dưới đây là bài viết chia sẻ với Zing.vn của Thủy Anh về cách rèn con tự lập, không khóc đòi ẵm bế hay đeo bám bố mẹ:
Việc nuôi dạy con có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Nhiều người nghĩ em bé mới sinh, chưa biết gì, khi nào có nhận thức thì dạy sau. Nhưng tôi lại nghĩ khác, em bé ngay từ trong bụng mẹ đã có ý thức. Mẹ có thời gian rèn cho bé sớm, sẽ được hưởng thành quả sớm.
Khi sinh bé đầu, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì thương nên chỉ cần Đăng Khang (tên con trai đầu lòng của Đăng Khôi - Thủy Anh) hơi khóc, cả nhà xót lại bế bồng lên. Tôi vất vả trong việc ru con ngủ tới khi bé một tuổi rưỡi. Bé cũng không tự nằm chơi một mình, lúc nào cũng phải có người bên cạnh.
Hai nhóc tỳ đáng yêu nhà Đăng Khôi - Thủy Anh. |
Đến bé thứ hai, tôi quyết tâm rèn cho con tính tự lập từ khi lọt lòng. Tôi thống nhất với cả nhà là sẽ không bế ẵm Đăng Anh (tên con trai thứ hai) nhiều, luyện cho bé nằm chơi. Như thế, mẹ không bị đau lưng, bà cũng không phải rung lắc bé.
Trong tháng đầu tiên, bé chủ yếu ăn và ngủ, ít khi thức hay quấy khóc. Khi cho ăn, tôi bế bé lên, còn lại đều để bé nằm và quấn khăn cho ấm để bé cảm thấy giống như trong bụng mẹ, không bị chới với.
Trong tháng đầu tiên, chỉ có một số đêm Đăng Anh thức, tôi cho bé nằm chơi, khi nào quấy khóc, tôi bế lên vỗ về nhưng vẫn ngồi trên ghế và không rung lắc bé. Bé hết khóc, tôi lại cho nằm xuống chơi đến khi nào bé buồn ngủ thì vỗ nhẹ mông.
Thời gian đầu, bé chưa quen, đặt nằm xuống vẫn khóc, vỗ mông cũng không chịu ngủ, nhưng tôi kiên trì luyện tập. Bé khóc một lúc mệt, tôi lại bế lên một chút và vỗ về, rồi lại đặt nằm xuống và vỗ mông cho bé ngủ.
Tôi sử dụng một chú mèo ôm nhỏ, vừa vòng tay bé, đặt bé nằm nghiêng, gác chân lên, bật chút nhạc nhẹ và vỗ mông cho bé ngủ. Dần dần Đăng Anh quen nếp, em cứ ôm con mèo là ngấu nghiến hít hà rồi chìm vào giấc ngủ.
Thủy Anh rèn con trai thứ hai từ nhỏ. Cô không ẵm bế mà luyện cho bé nằm chơi, ngủ. |
Tôi nhận thấy, nếu bé cứ khóc là được bế cho đến lúc nín, đồng nghĩa với việc người lớn đang dạy bé cách dùng tiếng khóc để đạt được những điều mình muốn, hình thành thói quen xấu là luôn đòi bế.
Sau một thời gian kiên trì, tôi cũng không ngờ thành quả của việc rèn con từ sớm này không chỉ dừng lại là bé tự ngủ ngoan. Vì không được bế ẵm suốt ngày, bé quen với việc nằm, ngủ cũng nằm, chơi cũng nằm, không nằm trên nệm thì bé nằm chơi trên ghế để mẹ rảnh tay làm việc hay vào bếp. Điều đó cũng dễ dàng hơn khi tôi muốn nằm đọc sách cùng con, bé sẽ tập trung hơn, thích thú hơn.
Đăng Anh không quen với rung lắc nên tôi cũng dễ dàng ngồi xem tivi và bế bé hay ngồi nói chuyện với mọi người mà bé vẫn ngoan ngoãn trong vòng tay. Bé cũng dễ tính hơn hẳn, không đòi hỏi phải có người luôn bên cạnh hay đòi ẵm bế.
Ảnh: Anh Lê
0 nhận xét:
Đăng nhận xét