Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí có những đóng góp quan trọng về công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển, quản lý báo chí.

Ngày 19/7, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (16/7/2003-16/7/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Tham dự lễ kỷ niệm có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Cục Báo chí qua các thời kỳ.

.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thực hiện nghi thức tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Cục Báo chí tuy mới thành lập được 20 năm, nhưng quản lý Nhà nước về báo chí đã có 78 năm và Báo chí Cách mạng Việt Nam đã có 98 năm.

Điểm lại chặng đường từ khi thành lập, phát triển của Cục Báo chí trong suốt 20 năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Cục Báo chí đã "được thừa hưởng một quá khứ thật hào hùng", thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin thời kỳ này. Qua 20 năm, chức năng, nhiệm vụ của Cục Báo chí đã được mở rộng hơn với nhiều trọng trách mới.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhiệt liệt chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức của Cục Báo chí qua các thời kỳ.

.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, quản lý Nhà nước về báo chí là quản lý để phát triển, phát triển báo chí bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, một đất nước muốn hùng cường, hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn, Đại hội XIII của Đảng đã nói giấc mơ đó là "khát vọng phát triển đất nước, sánh vai với cường quốc năm châu, Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045". Báo chí cách mạng Việt Nam phải khơi dậy khát vọng đó. "Khát vọng lớn, giấc mơ lớn thì tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần thì nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào hóa rồng, hóa hổ mà không có giấc mơ tinh thần", Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm khơi dậy và "thổi bùng" lên khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm, quản lý Nhà nước đầu tiên phải ở thể chế rõ ràng, tường minh. Công nghệ số, truyền thông xã hội, Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn các vấn đề sinh tồn của báo chí, "nhưng lộ ra thì mới nhìn thấy, mới sửa được và sửa được mới không còn nói rồi, nói mãi". Quản lý Nhà nước về báo chí là quản lý để phát triển, phát triển báo chí bền vững. Trong quá trình phát triển cũng phát sinh ra vấn đề mới, nhưng phát triển thì mới có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề mới, không để bị tụt hậu...

Từ đây, Bộ trưởng nhấn mạnh, quản lý Nhà nước về báo chí cách mạng là làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước; đảm bảo cho người làm báo sống được lành mạnh, các cơ quan báo chí phải được đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp làm truyền thông - đây là trách nhiệm của Cục Báo chí.

.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan triển lãm 20 năm Cục Báo chí.

Đánh giá thực tế rằng, báo chí hiện nay đang bị tụt hậu về công nghệ, Bộ trưởng yêu cầu, từ nay đến năm 2025 phải tập trung chuyển đổi số cho báo chí. Để chuyển đổi số cho báo chí thì đầu tiên phải chuyển đổi số cơ quan quản lý báo chí đó là Cục Báo chí.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục trưởng Cục Báo chí phải trực tiếp lãnh đạo, chuyển đổi hoạt động của Cục lên môi trường số. Ngoài ra, xây dựng trung tâm lưu chiểu số có công cụ đánh giá, phân tích tin bài của cơ quan báo chí. Bộ trưởng cho biết đây là công cụ quan trọng nhất để quản lý báo chí trên môi trường số.

Nhấn mạnh không gian số cần có thể chế số, Bộ trưởng cho biết, Cục Báo chí phải hoàn thiện thể chế số; đào tạo kỹ năng số cho tất cả phóng viên, những người làm báo; đào tạo công tác truyền thông chính sách cho bộ ngành, địa phương...

.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng quà tri ân các thế hệ lãnh đạo Cục Báo chí.

Tại lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Cục Báo chí qua 20 năm kể từ khi thành lập. 

Trong 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục Báo chí có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng. Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí.

Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho biết, thành tựu từ quá khứ khích lệ lòng tự hào của các thế hệ tiếp nối của Cục Báo chí. Thành tựu đó cũng là thách thức lớn đối với trách nhiệm và bổn phận của các thế hệ tiếp nối ở Cục Báo chí ngày nay.

.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc

Dẫn lại ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng”,  Cục trưởng Lưu Đình Phúc khẳng định, thế hệ Cục Báo chí hôm nay quyết tâm vượt khó, đổi mới, sáng tạo, bứt phá vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông giao phó.

Các nhiệm vụ đó là phát huy giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, gắn báo chí với sứ mệnh lớn của đất nước để thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng; tinh gọn hệ thống báo chí; hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số báo chí; tháo gỡ bất cập để phát triển kinh tế báo chí; dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số báo chí; xây dựng mô hình cơ quan báo chí, phát triển kinh tế báo chí, đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội.

“Truyền thống, văn hoá của Cục Báo chí được bồi đắp, kết tinh từ xương máu và sự cống hiến của lớp lớp cha anh đi trước, để từ đó mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn quan trọng, đều giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau trong công tác và trong cuộc sống, đều có được sức mạnh, nghị lực, đi qua mọi thác ghềnh, khó khăn, hoàn thành sứ mệnh của “người gác cổng thông tin”, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp quản lý Nhà nước về báo chí”, ông Lưu Đình Phúc chia sẻ.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét