Trong cuộc đời làm vua ngắn ngủi của mình, Hàm Nghi không chỉ đi vào lịch sử với tinh thần yêu nước. Ông còn để lại câu chuyện về tình thầy trò cao quý.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, vua Hàm Nghi (1871-1943), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Ông là hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, vốn là em trai của vua Kiến Phúc.
Năm 1884, Hàm Nghi được hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi vào sáng 12/6 năm Giáp Thân (tức ngày 2/8/1884).
Quyết tâm chống Pháp
Là người hiểu rõ đại nghĩa, vua Hàm Nghi đã tán thành chủ trương chống Pháp đến cùng của Tôn Thất Thuyết. Vua cũng nhận thấy con đường phía trước còn dài và gian lao nên đã nói “gian khổ thế nào trẫm cũng chịu được, đi tới đâu cũng được, miễn là đuổi được giặc Pháp khỏi đất nước”.
Sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn chép rằng sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) và nhân danh vua phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp, kêu gọi văn thân, sĩ phu giúp vua, đánh giặc cứu nước. Sau này, nhà vua tiếp tục ẩn náu ở Tuyên Hóa (Quảng Bình), tổ chức chống Pháp.
Sau khi chiếu Cần Vương được ban đi, khắp cả nước, phong trào kháng chiến chống Pháp bùng lên mạnh mẽ với khẩu hiệu “Cần Vương - giúp vua đánh giặc cứu nước”. Khắp nơi diễn ra các phong trào khởi nghĩa, khiến cho quân Pháp mất ăn ngủ. Chúng ra sức dụ dỗ vua Hàm Nghi đầu hàng nhưng không có tác dụng.
Vua Hàm Nghi. |
Giữa lúc quân Pháp đang hoang mang, tên Nguyễn Đình Tình - người trong đội hội vệ của nhà vua - đầu hàng giặc. Sau đó, thông qua tên này, quân Pháp dụ được Tôn Quang Ngọc - một trong 3 người đang trực tiếp bảo vệ nhà vua - ra đầu hàng.
Có được nội gián, quân giặc vây chặt, chúng dịch chuyển tất cả đồn bốt từ miền biển vào vùng sâu, nơi vua Hàm Nghi ẩn náu.
Tháng 10/1887, tên phản bội Nguyễn Đình Tình, sau một thời gian ở bên cạnh vua Hàm Nghi, đã trở về báo cáo cho viên chỉ huy Boulangier. Tên này viết cho Trương Quang Ngọc một bức thư, ra lệnh phải tìm mọi cách bắt sống vua Hàm Nghi.
Ngày 26/9/1888, Trương Quang Ngọc cùng một số tay chân kéo đến chỗ ẩn náu của vua Hàm Nghi. Đến khoảng 22h, bọn chúng vây căn nhà vua đang sống. Nghe tiếng động, những thân tín của vua ra kiểm tra, đều bị Trương Quang Ngọc và tay chân giết hại và bắt sống.
Biết mình không thể chạy thoát, nhà vua đã rút gươm chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc và nói: “Mi giết ta đi còn hơn đưa về nộp cho Tây”. Nhưng khi vừa dứt lời, vua đã bị một tên lính đánh từ phía sau, Trương Quang Ngọc mau lẹ tới giật gươm, vua Hàm Nghi rơi vào tay giặc.
Kính cẩn chào thầy
Kể từ khi bị bắt, vua Hàm Nghi luôn im lặng, Trương Quang Ngọc hỏi gì nhà vua cũng không trả lời. Theo lệnh quân Pháp, tên việt gian vẫn không dám xúc phạm nhà vua, tổ chức đưa ông tới giao nộp cho giặc.
Tại đồn, quân Pháp tổ chức buổi đón rước rất trọng thể. Khi vua bước lên từ dưới thuyền, lính Pháp nhất tề giương súng chào. Tuy nhiên, trước kẻ thù, nhà vua vẫn lộ rõ bộ mặt khinh bỉ và nói “tôi chỉ là bề tôi, không dám nhận lời chúc mừng của các ông. Vua Hàm Nghi của chúng tôi hiện ở trong rừng sâu”.
Việc vua Hàm Nghi không thừa nhận mình khiến quân Pháp vô cùng lo lắng, chúng không thể biết người chúng bắt được có phải nhà vua đích thực hay không, hay đây chỉ là chiêu trò của tên phản bội Trương Quang Ngọc.
Không thể dùng sức mạnh để nhận ra được nhà vua, quân Pháp và tay sai đã nghĩ ra kế thâm độc. Biết vua Hàm Nghi là người trọng tình, nghĩa, quý mến thầy dạy cũ của mình là Nguyễn Nhuận, chúng bày cách đưa thầy đến trước mặt nhà vua.
Khi gặp lại thầy cũ Nguyễn Nhuận, vua Hàm Nghi liền đứng thẳng dậy vái tay chào. Đây cũng cũng chính là lúc quân Pháp yên tâm rằng người mà chúng bắt được chính là vị vua trẻ tuổi, yêu nước.
Sau khi bị bắt, vua Hàm Nghi đã cự tuyệt mọi sự dụ dỗ, mua chuộc của địch. Bất lực trước tinh thần bất khuất của ông, ngày 13/12/1888, quân Pháp bắt vua lên thuyền đưa đi đày ở Algeria - một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi.
Dù bị bắt đi đày ở chốn xa lạ, tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi vẫn khiến người đời nể phục. Bà Blanche, con gái viên đại tá Pháp làm tư lệnh quân đội Alger, đã viết trong hồi ký rằng: “Vì sao người rời bỏ ngai vàng…Tôi hiểu rằng lòng yêu tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình, yêu đồng loại cao hơn chiếc ngai vàng nhỏ bé. Tôi yêu nước Pháp của tôi nên tôi rất trọng những người yêu tổ quốc họ”.
Những vị vua Việt từng ra nước ngoàiTrừ các vua nhà Nguyễn như Khải Định, Bảo Đại từng sang Pháp, bạn có biết những vị vua, chúa nào từng ra nước ngoài? |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét